Khúc dạo đầu cũng thường, thực bụng là hơi bị tẻ ngắt vì cái lối dẫn truyện kiểu tiểu thuyết ba xu, nói thẳng ra cái kiểu gọi nhân vật chính là “nàng” khiến tớ phát buồn nôn.
Trang 17. Cái cách dùng từ người đàn ông đang chia động từ yêu ở thì hiện tại tiếp diễn thật ra cũng không lạ, tớ đã từng đọc 1 câu tương tự nhưng là “động từ yêu ở hiện tại hoàn thành tiếp diễn” cơ, trong bài của Mr.Khánh Toàn bình bài “Tôi yêu em” của Puskin khi dẫn giải ra rằng thơ nước ngoài mà dịch ra tiếng Việt thì cũng bị rụng bớt 1 phần hồn phách.Ha ha, thôi kệ, cứ cười vậy, gì chứ “YÊU” mà không được chia ở simple present thì cũng khốn nạn thật! ừh, cái present cont. làm người ta thấy rùng mình, hôm nay còn yêu, chắc gì mai đã còn? giờ này còn yêu không biết chừng giờ sau đã chia tay? Phút này còn say mê phút sau không chừng đã nguội lửa lòng… một cái thời điểm trong hiện tại mờ mịt tương lai. Tự dưng lại thấy rùng mình, ừ, không chừng cái almost – love thật ra cũng chỉ được chia ở hiện tại tiếp diễn cũng không chừng, à mà biết đâu ba bảy hăm mốt ngày nữa lại chả thành ra past perfect????
Trang 31. Chợt thấy có chút gì đó đồng cảm, sự đồng cảm của 1 con bé tỉnh lẻ khi tớ cũng từng lầm bầm chửi”lũ khốn nạn chỉ thích dắt xe đẹp” y như con bé Vân khi phi cái xe Dream không đến nỗi xấu xí chỉ là đã hết thời, già lụm khụm và gắn ở đít 1 cái biển số xe tỉnh lẻ ( khốn khổ! đã già lại còn tróc tơi tả lớp dán chống xước lại còn vừa đi qua mấy con đường ngập nước triều cường cao hơn bugi ở Bình Thạnh) vào hầm 1 cái khách sạn to đùng đoàng trung tâm quận 1 và thấy cái ánh mắt thờ ơ pha vài tia nhìn khinh khỉnh của mấy gã nhân viên.
Trang 33.dòng 2. Lại chợt thấy đồng cảm.Nhớ tới anh ku Tũn nhà mình. Hồi mới về ở hẳn Việt Nam sau 12 năm ở bên kia cũng có những tác phong tự nhiên y như thế. sẽ biến mất theo thời gian thôi.phải, đâu cần quá nhiều thời gian để từ bỏ những thói quen ấy ở 1 cái xứ sở như cái đất Việt Nam này,nơi người ta nhìn nhau mà sống, canh me nhau mà sống. Anh ku Tũn từng ăn sạch sẽ cả bát canh bún Tú Xương chả chừa giọt nước lèo hay cọng rau muống chẻ nào, từng cười hồn nhiên với âm thanh vang và rộn ràng biết mấy – những tiếng cười vui từ lồng ngực…
Nay thì khác, thật ra anh đã thay đổi hay anh cũng giống như em và nhiều người khác? Chúng ta đều sợ khác người? sợ trở thành số ít nên bỏ mặc cái tôi bé nhỏ của bản thân để chui vào núp trong đám đông chung quanh. Khốn nạn! chả biết thằng nào là thằng đầu tiên phát ngôn ra cái câu “ chân lý thuộc về số đông” hay “thiểu số phải phục tùng đa số” hay gì gì khác để rồi chúng ta cứ phải luỵ theo nó mà sống?? Em nhớ anh quá thể, nhớ anh của cách đây 2 năm rưỡi, nhớ cái con người tự nhiên trong ăn nói, trong nụ cười, trong cả cái nhíu mày của anh… chứ không phải anh-bây-giờ. Anh-bây-giờ là anh của người khác, của 1 nhóm người khác trong xã hội , anh đã học, đã hành và đã quen, đã thấm vào người cái cách cư xử của một người làm ăn.Em thấy anh cứ nhờn nhợt, nhờn nhợt dần đi mãi…
Trang 57.
I could be right, I could be wrong
Hurts so bad, it’s been so long
Mama, I’m coming home…
Kết thúc không có gì đặc biệt, thật ra việc cho Thanh quay lại với Vân cứ khiên cưỡng thế nào ấy… đáng ra cứ để 2 người họ yên trong bóng tối của tình yêu đã qua thì hay hơn. Thanh sẽ giữ mãi trong lòng hình ảnh đầy lôi cuốn về cô gái có gương mặt ghen tị hút hồn ở Sapa, Vân sẽ không bao giờ nhìn thấy những sợi tóc bạc của Thanh, hình ảnh của anh trong cô sẽ mãi mãi là hình ảnh chàng trai với thân hình khỏe mạnh nằm trong ánh sáng, là mùi mồ hôi nhàn nhạt của anh. Kí ức thường đẹp hơn thực tế. Và hơn hết là, họ sẽ quay về và lấy nhau ư? Liệu cuộc sống vợ chồng của họ có được êm đẹp hay là những tủn mủn vật chất hàng ngày như tép tỏi, củ hành sẽ khiến họ hối hận về những cảm xúc mà họ từng có với nhau?