Thân này muốn vẫy vùng đôi cánh,
Nơi chân trời liệng cảnh hoa chơi!
Nào đâu là chỗ chân trời,
Nào đâu là chỗ có đồi chôn hoa?
Nơi chân trời liệng cảnh hoa chơi!
Nào đâu là chỗ chân trời,
Nào đâu là chỗ có đồi chôn hoa?
Sẵn túi gấm đành ta nhặt lấy,
Chọn nơi cao che đậy hương tàn.
Thân kia trong sạch muôn vàn,
Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ.
Chọn nơi cao che đậy hương tàn.
Thân kia trong sạch muôn vàn,
Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ.
Giờ hoa rụng có ta chôn cất,
Chôn thân ta chưa biết bao giờ.
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ,
Sau này ta chết, ai là người chôn?
Chôn thân ta chưa biết bao giờ.
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ,
Sau này ta chết, ai là người chôn?
Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,
Cũng là khi khách hồng nhan về già
Hồng nhan thấm thoắt xuân qua,
Hoa tàn người vắng ai mà biết ai!
Cũng là khi khách hồng nhan về già
Hồng nhan thấm thoắt xuân qua,
Hoa tàn người vắng ai mà biết ai!

Hôm nay chợt nghe lại Khúc hát chôn hoa, ừm, thấy thương cô bé Lâm Đại Ngọc vô cùng. Kể ra thì so với nhân vật trong truyện, mình đã lớn hơn vài ba tuổi, có thể gọi Đại Ngọc là cô bé được rồi. Trước đây, ở cá tuổi 14, 15 khi đọc Hồng Lâu Mộng, quả tình suy nghĩ của mình rất khác bây giờ, lúc đấy chỉ có sự ngưỡng mộ với đôi kim đồng ngọc nữ Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, sự thương cảm với cô gái tài hoa bạc mệnh. Nhưng bây giờ thì thấy thương hại nhiều hơn.
Lâm Đại Ngọc là cô gái mới lớn xinh đẹp lại đa sầu đa cảm, mình thấy lời của Tào Tuyết Cần nói “đàn bà làm bằng nước” quả thật chẳng sai với Đại Ngọc chút nào, suy nghĩ và hành động đều rất trong trẻo, lại dư nước mắt, lúc nào cũng như có thể khóc rồi cả cơ thể cứ từ từ tan ra thành nước vậy. Người như thế, sống quả là 1 việc gian khó, cô ấy sinh ra trong nhà có chút quan quyền, rồi được nuôi dưỡng trong cảnh lầu vàng gác tía mà còn khổ sở như vậy, thì huống gì đem bỏ giữa nhân gian, làm sao mà tồn tại?
Phải, làm sao mà tồn tại, cái con người yếu đuối như Đại Ngọc giữa xã hội ấy huống chi là giữa cái xã hội thực tại bây giờ, khi người ta sống càng lúc càng vội vã, bon chen, giành giựt từng chút một, hình như chỉ chậm 1 nhịp là lập tức bị kẻ khác cướp mất, đè nghiến lên chân mình. Đại Ngọc mới chỉ bị nói động đến 1 chút đã lã chã nước mắt, đã giận bầm gan tím ruột tự hành hạ bản thân, nếu gặp phải cuộc sống như của mình thì sẽ thế nào?
Người ta cứ khen rằng đấy là mẫu nhân vật đẹp hơn ngọc, chẳng chút tì vết, vừa xinh đẹp, giỏi giang, giàu cảm xúc lại thánh thiện. Nói là thánh thiện ở đây vì Đại Ngọc chẳng tìm mưu nghĩ kế ám hại ai bao giờ, có tức giận cũng chỉ tự làm hại bản thân ho sặc lên, đau đớn rồi tự nhấn mình trong nước mắt. Nhưng cá nhân mình còn thấy Đại Ngọc đáng trách. Hạnh phúc đâu có phải từ trên trời rơi xuống? Hạnh phúc chỉ là cơ hội đi ngang qua trước cửa, phải mong ngóng nó, gặp được rồi thì phải cố hết sức mà giữ nó lại, vun đắp cho nó lớn thêm lên, dày dặn thêm lên và ở lại lâu dài với mình.
Từ đầu chí cuối, thấy rõ rằng Đại Ngọc lúc nào cũng sống với mặc cảm mình là người ngoài của Ninh phủ, Vinh phủ. Tại sao lại chỉ nghĩ đến cái mặc cảm mình là ngoại tộc mà quên đi rằng mình đang sống ở đây, giữa mọi người, được nuôi dưỡng, chăm sóc, chiều chuộng? Cứ cho là người ngoài đi chăng nữa thì cách đối xử của Giả mẫu, của Bảo Ngọc, của Hy Phượng hay các chị em trong vườn Đại Quan thân thiết, tình cảm đến thế thì cũng phải tự thấy mình đã là người trong nhà rồi. Vì cái mặc cảm người ngoài ấy mà Đại Ngọc đôi lúc cứ dửng dưng, lững thững như đám mây trôi trên trời với chuyện trong, ngoài của Ninh phủ, của chị em xung quanh, cao lắm khi cần thì chỉ rỏ được nước mắt.
Mà hỡi ôi, nước mắt, nó vô dụng biết bao! Khóc lần 1, lần 2 còn thấy đáng thương nhưng càng khóc nhiều thì càng nhàm. Gặp chuyện, không biết cách đối đầu cũng không tìm cách giải quyết, chỉ dùng nước mắt. Định dệt lớp tường bảo vệ hay muốn uy hiếp ai bằng thứ nước mắt ấy? Nếu Hy Phượng khóc thì còn làm người ta giật mình mà nghĩ lại chứ như Đại Ngọc, cái việc kia đã là quá nhàm thì chẳng ai thèm để tâm cho nhiều, cho phiền, cho bực mình – ngoài Bảo Ngọc.
Rốt cục tới người yêu thương mình nhiều nhất như Bảo Ngọc, Đại Ngọc cũng không thể giữ được. Nhiều lúc xem người ta giận nhau mà mình cũng giận cả Đại Ngọc, tự dưng những chuyện bé cứ xé ra cho to rồi làm khổ cả anh, cả ả. Thấy tội tội Bảo Ngọc thế nào ấy, phải chiều theo ý cô nàng đỏng đảnh hay hờn dỗi làm mình làm mẩy như Đại Ngọc, thương nhất là cứ phải đi theo mà năn nỉ ỉ ôi “Em Lâm, em Lâm”.

Có lẽ mình cũng hơi bất công khi dùng con mắt của người đời sau để xét chuyện đời trước, dùng quan điểm của 1 cô gái 20 tuổi ở những năm 2000 để bàn chuyện 1 cô thiếu nữ tuổi 16,17 ở thế kỉ 18 (theo 1 số tài liệu thì Hồng Lâu Mộng được in vào khoảng năm 1792 – 1793, còn Tào Tuyết Cần thì 1716 (?) – 1763 (?)).