“Hoàng tử bé” tôi đọc từ năm tôi 9 tuổi và tới tận bây giờ là 1 trong 3 cuốn sách tôi yêu thích nhất (bên cạnh Suối Nguồn và Totochan cô bé bên cửa sổ).
Khi đấy thì thích vì cuốn sách là cuộc du hành hấp dẫn tới những hành tinh xa lạ, quá nhiều thứ mới mẻ và hay ho mà tôi có thể hình dung từ trang sách hay tự tô vẽ thêm bằng trí tưởng tượng của 1 đứa trẻ con. Chúng vừa rõ ràng vừa rực rỡ màu sắc. Nói thế nào nhỉ, nghĩa là nếu khi ấy được vẽ ra thì tôi sẽ dùng 1 hộp màu sáp 36 màu, không hiểu sao mỗi khi nghĩ tới chuyện này, tôi đều liên tưởng tới 1 hộp màu sáp chứ không phải bất cứ thứ chì màu nào khác.
Với tôi – 9 – tuổi, thế giới của “Hoàng tử bé” là 1 thế giới tưởng tượng xa xôi có hành tinh nhỏ xíu, những cây baobab, bông hồng đỏng đảnh, con cáo biết nói, người bạn phi công biết vẽ, những hành tinh với những vị chủ lạ lùng, thứ gì cũng ngộ nghĩnh, buồn cười.
Tôi lớn dần lên. Và với tôi – lớn – dần thì thế giới của “Hoàng tử bé” trở nên gần gũi hơn, mỗi lúc lại có hình dáng giống thế giới thực tôi đang sống hơn. Và mỗi lần đọc lại “Hoàng tử bé” tôi lại ngộ ra 1 số thứ mới mẻ mà tôi đã ghi chép lại qua các năm như sau.
1. Thật đáng ngạc nhiên, tôi cảm thấy có thể nhìn thấy cuộc sống của tôi, những nguời xung quanh tôi trong cuốn sách ấy, chỉ có điều họ được gọi bằng 1 cái tên khác, có 1 nhân dạng khác mà thôi.
– 1 số người quanh tôi giống như người đàn ông suốt ngày ngồi trên hành tinh của mình để làm những phép tính cộng, suốt ngày nói câu “Tôi là 1 người đứng đắn” và vênh vang hợm hĩnh về điều đó. Khỉ thật, nếu 1 người đứng đắn thì tốt nhất đó nên là lời nhận xét của người khác cho anh ta. Rốt cục, tôi đã nhận thầy là trong cuộc sống này, càng những kẻ thích tỏ ra nghiêm chỉnh đứng đắn thì hoặc là cực kỳ nhàm chán hoặc là rất hay làm người ta thất vọng vì sự lem luốc về nhân cách của hắn.
– 1 số người quanh tôi lại giống cái bông hồng kiêu kỳ ủ dột trên hành tinh của Hoàng tử bé kinh khủng, họ ảo tưởng được sinh ra cùng với vầng thái dương, rất thường xuyên đòi hỏi được ngưỡng mộ nhưng thực chất họ là những kẻ yếu đuối đáng thương, phải sống dựa vào sự giúp đỡ và chăm sóc của kẻ khác. Cũng vì quá kiêu kỳ về thứ không thật sự thuộc về mình mà họ đánh mất những điều thật sự quý giá của cuộc sống, như tình yêu chẳng hạn …
– 1 số người tôi biết lại giống vị vua mặc áo choàng, cũng ưa quyền hành, thích chuyên chế, luôn luôn muốn người khác phải quy phục như ông ta. Nhưng không phải ai cũng nhận được chân lý như ông hoàng này đâu nhé, những người tôi biết, có thể họ không biết rằng hoặc giả dụ như là quên đi rằng “quyền lực trước hết phải dựa trên lẽ phải”.
– Không ít người giống như nhà địa lý, ông ta chỉ chuyên chú vào lý thuyết mà quên bẵng thực tế. 1 vài người lại là những kẻ khoác lác như 1 tên hề, luôn chờ đợi được vỗ tay khâm phục. 1 số khác lại thích dùng những sai lầm để sửa chữa những sai lầm khác theo đúng kiểu anh bợm nhậu uống rượu để quên nỗi xấu hổ vì nhậu (hừm, cái kiểu chữa sai này mới thật giống tôi làm sao!). Dĩ nhiên cũng có 1 số người trung thành 1 cách máy móc và ngốc nghếch y hệt như anh chàng cứ thắp và tắt đèn liên tục mỗi phút.
2. Những người lớn – chúng ta, vâng, chúng ta, nghĩa là có cả tôi trong đấy, sức tưởng tượng, sáng tạo của chúng ta cứ mỗi lúc lại khô dần đi, hay nói đúng hơn là càng ngày ta càng thích những quen thuộc, ta sợ mạo hiểm, sợ làm khác, sợ nói khác và thậm chí sợ nghĩ khác cách đám đông làm, nói và suy nghĩ.
Mọi thứ quanh ta đã đi vào nếp, ta làm mọi thứ theo thói quen, nói những câu chuyện phổ biến, nghĩ theo cách thông thường nên không thể chấp nhận bất cứ thứ gì không thuộc về đám đông và lệ thường. Đơn giản mà, ta dễ dàng đồng tình với nhau “Đấy là 1 cái mũ” hơn thử hình dung ra những thứ như “1 con voi trong bụng 1 con trăn”, nếu không may (hoặc là rất hay) có 1 ai đó dám nói quan điểm của anh ta về con voi và con trăn thì chúng ta sẽ sẵn sàng cười nhạo gã “Haha, đồ điên”. Chẳng phải thế sao?
3. Mỗi người đều có 1 chuẩn mực cho riêng mình, tốt nhất là không nên tranh cãi với nhau về cái gọi là “lý tưởng”. Thế đấy, anh có con cừu riêng của anh, tôi có con cừu riêng của tôi. Làm sao có thể so sánh 2 con cừu trong trí tưởng tượng của chúng ta. Nếu anh cứ cố áp đặt suy nghĩ của anh về 1 con cừu lý tưởng lên con cừu của tôi thì tôi sẽ cho con cừu của tôi vào 1 cái hộp có lỗ thông gió và thế là xong. Hãy để con cừu lý tưởng của tôi được là chính nó, bởi những gì gọi là tốt đẹp của anh, chưa chắc đã đồng nhất với tôi đâu, bạn ạ.
4. Khi nhà thiên văn người Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ra hành tinh mới, người ta đã không tin ông vì bộ quần áo của ông. Chà, xem nào, cuộc sống đã, đang là như thế đấy và tôi tin sẽ còn như thế dài dài. Tôi, chúng ta vẫn quen xét đoán con người qua hình thức của họ còn gì. Ví dụ nhé, nếu anh đi phỏng vấn xin việc kế toán với cái đầu nhuộm đỏ ánh tím, móng tay sơn đen thì cho dù anh có chứng chỉ ACCA đi nữa thì cơ hội được nhận của anh cực kỳ thấp.
5. Đúng như tác giả nói, rất khó để người lớn hình dung ra 1 ngôi nhà xinh đẹp với hoa phong lữ nhưng nếu ngôi nhà đó đáng giá 10 vạn franc thì họ có thể hình dung ra ngay 1 ngôi nhà đẹp. Chẳng khác nào đó là kiểu hình dung của chúng ta hiện nay, nếu bạn nói với tôi về đôi giày mới mua gót cao 5cm, màu hồng phấn, mũi tròn, quai da mềm – dù bạn có kể thế nào thì tôi cũng không thể trầm trồ hay mơ ước về nó nếu bạn không chú thích thêm, đó là 1 đôi giày của Salvatore giá 760$.
6. (Về tình yêu). Khi 1 người yêu 1 đóa hoa duy nhất trong hàng triệu triệu ngôi sao thì chỉ nhìn những ngôi sao cũng làm anh ta hạnh phúc. Điều này tôi vẫn chưa thực sự thấy trong cuộc sống xung quanh tôi. Hình như Exupery triết lý quá hoặc giả là thời đại đã thay đổi nên nhân loại thời của tôi và thời của nhà văn này khác nhau chăng? Tình yêu mà tôi nhận thấy ở quanh mình và trong chính trái tim tôi luôn đi kèm với khao khát chiếm hữu, độc quyền mà chẳng bao giờ có thể thỏa mãn nổi. Có lẽ, 1 lúc nào đó, tôi sẽ yêu thật sự nhưng thật khó hình dung ra việc nhìn lên bản đồ thế giới, chỉ vào cái nước có nhiều múi giờ nhất (ví dụ đúng là nước đó) rồi nhìn nó âu yếm, rồi tôi thấy hạnh phúc với việc ấy chỉ vì người tôi yêu đang ở đó.
7. Cũng như bông hoa hồng đã nói, nó sẽ phải chịu đựng vài con sâu trước khi biết bươm bướm là thế nào. Ờ, phải thử chứ! Biết đâu … những điều tốt đẹp ấy mà, chúng thường có giá không rẻ chút nào, nếu ta không đủ dũng cảm và khao khát để thử thì cơ hội có được nó cũng bằng 0 luôn.
8. “Một người kiêu hãnh không muốn ai nhìn thấy mình khóc”. Tôi không kiêu hãnh nhưng cũng không muốn ai nhìn thấy mình khóc. Nếu khóc, tôi muốn được người tôi yêu quý ôm thật chặt, để mình biết là tôi không đơn độc mà người kia cũng không nhìn được nước mắt của tôi. Những thứ đại loại như là nỗi đau, sự thất vọng, nỗi sợ hãi … không phải chỉ được cảm nhận qua những giọt nước mắt đâu, mình tin thế.
9. Ông hoàng già đã nói thế nào nhỉ, xét chính mình là khó hơn xét người khác nhiều, nếu xét được mình đúng đắn thì mới có thể coi là bậc hiền lương chân chính. chí lý!
10. Người đáng để kết bạn ngay cả khi anh ta có thể bị những người khác khinh thường nếu như anh ta biết nghĩ đến người khác thay vì chỉ lo toan cho mình (giống anh chàng thắp đèn).
11. Khi người ta muốn tỏ ra thông minh, thường thì việc này dẫn đến việc người ta nói dóc đôi chút.
12. Con rắn lần đầu gặp Hoàng tử bé đã nói, không chỉ ở trong sa mạc mới bơ vơ, con người ở giữa loài người, cũng vẫn bơ vơ…
13. Những câu của con cáo dường như đều có lý. Ngôn ngữ chỉ là nguồn gốc của sự ngộ nhận, đôi khi, ta có thể hiểu nhau mà chẳng cần phải nói nhiều. Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ bằng trái tim, cái cốt yếu thì con mắt không thể nhìn thấy.
14. Người bẻ ghi nói: người ta không bao giờ bằng lòng với chỗ của mình cả.
15. Những điều con cáo nói về cảm hóa. Nếu bạn chưa biết đến đoạn này, hãy đọc nó. Nếu đã biết rồi thì tôi có nói thêm gì cũng là thừa cả.
v.v…
Vậy đấy, sau những gì tôi đã đọc trong “Hoàng tử bé” và gặp trong cuộc sống, tôi nhận ra, đây không phải là cuốn sách viết cho trẻ em, nó là câu chuyện dành cho người lớn.
Chính thế, Exupery viết nó cho những người lớn để họ có dịp nhìn lại mình, để ta có thể thấy mình đã sống khô cứng, tham lam và ngớ ngẩn tới mức nào trong suốt thời gian qua. Ông ấy viết để ta thấy là ta đã từng là trẻ con , thấy rằng chúng ta đã từng giàu sáng tạo, dũng cảm, thành thật và cảm thông với thế giới biết bao. Ờ, nhưng mà nhận ra rồi thì có khác gì không? Hay các bạn cũng chỉ như tôi chép miệng theo ông Exupery: “Người lớn là như vậy đấy. Trẻ con phải hết sức rộng lượng với người lớn!”
… Người ta cũng khát khao lắm – một đồng điệu nào đó – để rồi được nhớ về. 😉