Điều thứ hai tôi xin nói là các bạn có thể phản bác bằng mọi lý lẽ ngoại trừ câu này “Nhìn lại mình đi, có viết được như người ta không mà đòi phê bình này nọ”. Các bình luận viên thể thao chắc gì đã biết rê bóng, các bình luận viên trên Bloomberg đâu phải ai cũng biết đầu tư tài chính sinh lời cho nên 1 người không biết viết văn cũng có quyền phê bình văn học theo cách của anh/cô ta.
1. Văn học trẻ Trung Quốc
Những năm gần đây, nền văn học trẻ Trung Quốc nở hoa về số lượng tác giả mới cũng như đầu sách được xuất bản hằng năm. Văn học mạng đã tạo nên một trào lưu mới với những cây bút trẻ thú vị. Tôi không phải là người sính Trung Quốc nhưng thời gian gần đây cũng bị tác động không ít từ dòng văn học nước này này. Xin được liệt kê vài tác giả mà cá nhân tôi cho là tiêu biểu.
Quách Kính Minh – anh chàng trẻ tuổi có scandal nhưng vượt lên trên những chỉ trích về cá nhân thì tôi nghĩ, Quách Kính Minh là một người có tài. Nếu ai đó đã từng đọc Vương quốc ảo thì sẽ thấy bằng trí tưởng tượng của mình, anh ta đã xây dựng nên một thế giới phong phú thế nào. Phong cảnh, nhân vật, tính cách, tình huống thay đổi liên tục với nhiều bất ngờ và màu sắc như thể diễn biến bên trong một chiếc kính vạn hoa. Tôi thích nhà văn này ngay cả khi những tác phẩm sau này của chẳng có gì đặc biệt.
Vệ Tuệ – chị này cũng không còn trẻ lắm (đó là đem so với tuổi tôi) nhưng những gì chị viết vẫn còn rất trẻ trung. Sau cuốn sách đầu xuất hiện gây sốc thì những cuốn sách sau này là một cuộc chuyển biến thật sự. Một cô gái thành một phụ nữ, thay vì quay lưng vào cuộc đời chị đang cố gắng hòa nhập vào cuộc đời. Thay vì làm người đọc hụt hẫng và đau đớn cùng với nỗi cô đơn của mình thì ở Gia đình ngọt ngào của tôi, người ta có thể thấy một Vệ Tuệ mềm mại hơn, biết yêu cuộc sống và đang học cách nâng niu, trân trọng hạnh phúc. Đó là điểm khiến Vệ Tuệ trở nên đặc biệt hơn so với Xuân Thụ, Miên Miên …
Tào Đình – một tác giả làm mưa làm gió trong vòng vài năm gần đây với bắt đầu “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”. Nói thật, ban đầu tôi cũng có chút hứng thú với Tào Đình, nhất là sau cuốn “Anh trai, em gái” nhưng càng đọc thêm các cuốn khác của chị này thì lại càng thấy … ghét. Tào Đình càng về sau lại càng trở thành một dạng nhà văn cố tình mua nước mắt câu tiền độc giả bằng cách đặt ra những tình huống phi lý (cái này không đáng kể), đăt ra những nhân vật phi nhân tính (cái này mới đáng kể). Tại sao lại phi nhân tính? Vì những nhân vật nữ của Tào Đình quá khác người, quá xinh đẹp, quá yếu đuối, yêu mê muội rồi tự đem mình hy sinh vì đàn ông bằng nhều cách khác nhau, tự đày ải bản thân và hành xử ngu ngốc đến mức đáng ngạc nhiên. Nhân vật nam thì hời hợt với tình yêu, với cuộc sống thậm chí quá ngu ngốc nên chỉ toàn đi từ hiểu lầm này đến hiểu lầm khác để cuối cùng thì khóc lóc, hối hận … Cái gì quá cũng không tốt.
Minh Hiểu Khê – tác giả trẻ này gần đây viết sách sòn sòn như gà đẻ trứng. Kỹ thuật viết của Minh Hiểu Khê thật khó ai có thể phủ nhận nhưng đã gọi là kỹ thuật thì sẽ khó mà để lại rung động lâu dài. Truyện của Minh Hiểu Khê khiến người ta nao lòng nhưng mà nao từ truyện này sang truyện khác với cùng 1 mô típ đó thì khó chịu quá. Một cô gái được yêu bởi nhiều chàng trai anh tuấn, xao động với người này 1 ít rồi lại thích người kia 1 ít cuối cùng sau khi làm tổn thương mọi người một cách cẩn thận bằng những hiểu lầm và hy sinh rất kịch thì cô ta cũng có một kết thúc có hậu nhờ ngoan ngoãn ở lại với 1 anh chàng (ban đầu cô ta ghét). Đọc truyện Minh Hiểu Khê, thà tôi xem phim thần tượng Đài Loan, đọc truyện tranh Nhật bản cho khỏe mắt.
Dĩ nhiên văn học trẻ Trung Quốc còn có nhiều tác giả đáng nói tới như Tần Di Ố với “Anh có thích nước Mỹ không?”, Tiên Chanh với “Bản sắc thục nữ”, Trương Duyệt Nhiên, Thái Trí Hằng, Từ Tốc v.v… nhưng tựu chung có thể nói họ đang rất thành công. Chưa biết chức năng định hướng nhân sinh quan, thế giới quan của độc giả đi đến đâu nhưng xét về mặt doanh thu thì với lượng sách được xuất bản, tái bản trong nước cũng như nước ngoài (Việt Nam chẳng hạn) thì những nhà văn này đều đáng biểu dương. Họ giỏi kiếm tiền bằng chính sách của mình và góp phần quảng bá văn hóa nước mình sang nước khác. Nhìn vào tình hình truyện dịch TQ nhan nhản trên mạng hiện nay cũng có thể thấy giới trẻ Việt Nam bị ảnh hưởng không ít từ cách mơ mộng, nói năng, hành động của Trung Quốc. Bỏ qua yếu tố chính trị và lòng tự hào dân tộc thì tôi nghĩ … thế cũng chẳng sao.
2. Văn học trẻ Việt Nam
Tại sao tựa đề là “Văn học trẻ Việt Nam và Trung Quốc” mà lại nói Văn học trẻ Việt Nam sau? Đó là vì cái gì quan trọng, tôi vẫn để dành cuối cùng.
Văn học mạng:
Văn học mạng là một khái niệm khá chung chung, có thể đó là tác phẩm được phổ biến toàn bộ trên mạng hoặc chỉ được trích đoạn giới thiệu một phần trước khi được chuyển thành văn học giấy, điểm tương đồng là phải tạo được chút tiếng vang với người đọc rồi mới đem in. Đây là hình thức văn chương mới, gây được sự chú ý của những người thành thị, tương đối trẻ và tác giả cũng thường là những người còn rất trẻ. Khơi mào trào lưu này ở Việt Nam có thể kể đến Cocktail cho tình yêu, Phải lấy người như anh (Trần Thu Trang), Chuyện tình New York (Hà Kin) … và một nhà văn gắn liền tên tuổi với văn học mạng từ buổi đầu là Trang Hạ dù chị dịch nhiều hơn viết mới nhưng đóng góp của chị thì không thể phủ nhận (truyện chị dịch cũng hay hơn truyện chị viết)
– Xét về mặt nghệ thuật, các tác phẩm của ta chỉ thiên về kể như những ghi chép chứ chưa trau chuốt ngôn từ để khai thác được vẻ đẹp của hình ảnh, nhịp điệu văn chương, một người bạn tôi đã nặng lời phê hai chữ “dễ dãi”. Ví dụ điển hình là Hà Kin xuất hiện với “Chuyện tình New York” ầm ĩ rồi tắt ngúm, Keng gây xôn xao với “Dị bản” hay tệ nhất (theo tôi thấy) là những mẩu chuyện nặng nề ý tưởng tiêu cực và tình dục bẩn (nói bẩn là vì các cô gái đem thân xác và tình dục làm công cụ để giành giựt, níu kéo đàn ông) của Gào trong “Cho em gần anh thêm chút nữa”.
– Xét về mặt nội dung, theo tôi, chỉ có thể một dùng từ, đó là: “dễ hiểu”. Nhân vật chính có tâm lý dễ hiểu, các nhân vật phụ cũng dễ hiểu, kết cấu bố cục dễ hiểu nốt khiến tôi liên tưởng tới món rau câu dừa lần đầu thì dễ ăn nhưng ăn xong thì chẳng để lại vị gì để mà nhớ, có sẵn thì … ăn tiếp cũng được nhưng không có thì thôi, chẳng có gì câu thúc phải tìm bằng được. Mô típ chung là: nhân vật nữ có thể ko đẹp nhưng có cá tính đặc biệt rồi được một hoặc nhiều nhân vật nam hơn hẳn cô ta về mọi mặt yêu, hiểu lầm, làm rõ, lại hiểu lầm, lại làm rõ, rồi … hết.
Giọng miệt vườn gây xôn xao
Giọng miệt vườn không chỉ là cách hành văn thật thà, rổn rảng phương ngữ Nam bộ mà còn là cái hồn chân chất, cái tình đậm đà của con người với quê hương và giữa con người với nhau. Không biết người khác nghĩ sao chứ ngày xưa tôi đọc Đoàn Giỏi, Sơn Nam thế nào thì gần đây tôi lại ưa Nguyễn Ngọc Tư, Mạc Can, … thế ấy thậm chí còn ưa hơn nữa kia, vì giữa xã hội thành thị hiện đại, mà họ còn giữ được cái hồn ấy, cái tình ấy thì hiếm quý lắm. Xin phép được đưa cả Mạc Can vào đây vì tuy tuổi đời thì lớn nhưng tuổi nghề của ông thì đúng là rất trẻ.
Đọc “Tấm ván phóng dao”, “Tạp bút Mạc Can”, lại đọc “Ông ngoại”, “Nước chảy mây trôi”, “Cánh đồng bất tận” …, tôi hết cười tủm tỉm rồi lại rơm rớm nước mắt một mình. Thật quá, những số phận ấy! Mỗi nhân vật một hoàn cảnh, mỗi câu chuyện một nỗi đau nhưng tựu chung, những nhà văn miệt vườn này vẫn không nguôi tin yêu con người, vẫn tha thiết với cái thiện căn của con người dù chân họ có còn lấm bùn hay không. (Thâm tâm tôi vẫn tiếc về sự e dè sau va chạm của chị Nguyễn Ngọc Tư…)
3. Tóm lại
Bản thân mỗi phép so sánh đã là một sự khập khiễng nhưng tôi cứ ương bướng thử một lần xem sao. Theo tôi, dù có những điều kiện để phát triển tương đương, lại có chung nội dung chủ đạo là những câu chuyện về tình yêu nhưng văn học trẻ Việt Nam kém Trung Quốc cả về mặt nội dung lẫn hình thức.
Con đường đi đến 1 giải Nobel Văn học của Việt Nam còn xa lắm lắm lắm có lẽ một phần là tại độc giả. Dĩ nhiên, không thể đòi hỏi các tác giả trẻ mang về giải Nobel nhưng những tác giả này sẽ già, và ngay cả khi già đi thì những nhà văn đang thời thượng ở nước ta hiện tại (gọi là thời thượng vì sách bán chạy) cũng khó mà thăng hoa đến tầm Nobel khi những người bỏ tiền mua sách bây giờ ưu tiên làm giàu cho các dịch giả và những nhà văn viết loại sách giải trí, dễ đọc, dễ nhớ và mau quên.