Sông Tương

Vốn dĩ trong thơ ca nhạc họa của Trung Quốc cũng như các nước bị ảnh hưởng bởi văn hóa của nước này đều xuất hiện hình ảnh của 1con sông: sông Tương.

.

Tương Giang hay Tương Thuỷ hay sông Tương (湘江 hay “湘水”), là một con sông, chi lưu chính của sông Trường Giang, chảy qua tỉnh Hồ Nam, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Sông này có diện tích lưu vực 94.600 km², tổng chiều dài 856 km, lưu lượng bình quân 72,2 tỷ m³ một năm. Tương Giang bắt nguồn từ huyện Lâm Quý của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và chảy vào Hồ Nam.

Từ huyện Đông An thuộc thành phố Vĩnh Châu thì chảy theo hướng bắc, sau đó nhận thêm nước từ các sông: Tử Thủy, Thạch Kỳ Hà, Tiêu Thủy, Ứng Thủy và Bạch Thủy; tại Hoành Dương thì nhận thêm nước từ Chưng Thủy và Lỗi Thủy; tại Lục Khẩu nhận thêm nước từ Lộc Thủy; tại Tương Đàm nhận thêm nước từ Liên Thuỷ; tại thành phố Trường Sa thị nhận thêm nước từ Lưu Dương Hà và Lao Lực Hà; tại Tân Khang của huyện Vọng Thành nhận thêm nước từ Vi Thủy (沩水). Đến Hào Giang Khẩu ở huyện Tương Âm thì Tương Giang phân thành hai dòng và cùng đổ vào hồ Động Đình.

Trích wikipedia

.

Xin được giới thiệu điển tích có liên quan đến con sông này.

Đời Hậu Chu, thời Ngũ Quí (905-955), ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có nàng Ý Nương, con gái của Lương công. Nàng có sắc đẹp lại hay chữ. Ở trọ nhà có chàng Lý Sinh, một hàn sĩ mỹ mạo tuấn tú. Nhân một đêm Trung Thu, Ý Nương thưởng trăng bỗng gặp Lý Sinh. Trai tài gái sắc gặp nhau, trao đổi tâm tình. Từ đó cả hai thường tìm cách lui tới. Lương công biết được, tức giận đuổi Lý Sinh đi. Ý Nương lấy làm đau đớn, từ đó sinh ra bệnh tương tư triền miên, mới làm bài khúc “Trường tương tư” mong gởi nguồn tâm sự cho người yêu biết. Trong bài có những câu rất lâm ly ai oán:

Nhân đạo Tương Giang thâm,

Vị để tương tư bán.

Giang thâm chung hữu để;

Tương tư vô biên ngạn.

Quân tại Tương Giang đầu,

Thiếp tại Tương Giang vĩ.

Tương tư bất tương kiến,

Đồng ẩm Tương Giang thủỵ

Mộng hồn phi bất đáo,

Sở khiếm duy nhất tử.

Nhập ngã tương tư môn,

Tri ngã tương tư khổ!

(Người ta bảo sông Tương rất sâu, Nhưng chưa bằng nguồn tương tự . Sông sâu còn có đáy, Tương tư không bờ bến. Chàng ở đầu sông Tương, Thiếp ở cuối sông Tương. Tương tư không gặp mặt, Cùng uống nước sông Tương. Hồn mơ bay chẳng tới Chỉ thiếu một điều chết. Ta vào cửa tương tư, Mới biết tương tư đau khổ!)

Lý Sinh tiếp được, đọc xong, cảm xót vô cùng, đầm đìa nước mắt. Chàng chạy nhờ mai mối đến năn nỉ với Lương ông, kể lể mối tình đầu, xin hỏi nàng làm vợ. Ông trước còn dùng dằng, sau đọc được khúc “Trường tương tư” của con, lấy làm cảm động nên đan`h vui lòng cho Sinh thành mối lương duyên.

.

Về sau, sông Tương được dùng khá phổ biến như 1 hình ảnh để nói lên sự nhớ mong nói chung cũng như  nỗi nhớ  trong cách xa của đôi lứa nói riêng.

Bài thơ Dao sắt oán của Ôn Đình Quân (1 nhà thơ Đường):

Băng điếm ngân sàng mộng bất thành

Bích thiên như thuỷ dạ vân khinh

Nhạn lai viễn quá Tiêu Tương khứ

Thập nhị lâu trung nguyệt tự minh

(Chiếu băng, giường bạc, mộng không thành

Mỏng nhẹ mây đêm, trời nước xanh

Qua khỏi Tiêu Tương, tiếng nhạn đuối

Mười hai lầu vắng, một vầng trăng )

.

Là 1 nước chịu ảnh hưởng mạnh của nền văn hóa Trung Hoa, không ít nhà thơ cận đại Việt Nam đã nhắc đến Tương Giang trong tác phẩm của mình:

Nguyễn Du từng viết bài thơ “Tương giang dạ bạc”  và trong Truyện Kiều cũng có câu:

Sông Tương một giải nông sờ,

Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.

Và trong “Chinh phụ ngâm“, bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm cũng có câu:

Chốn Hàm Dương, chàng còn ngoảnh lại,

Bến Tiêu Tương, thiếp hãy trông sang…

.

Thậm chí trong thế kỷ 20, cũng có nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc Việt Nam mượn cái ý đầu sông, cuối sông của Trường tương tư.  Chắc hẳn bạn không còn lạ với những câu hát “Anh ở đầu sông, em cuối sông, uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông” (thơ Hoài Vũ) và 1 ví dụ khác  là Ai về sông Tương , 1 ca khúc của nhạc sĩ Thông Đạt được khá nhiều người yêu thích ở Việt Nam chẳng hạn.

.

.

.

===============

Hôm nay, mình chính thức khai trương Category “Cùng tìm hiểu”, dự kiến là các entry sẽ được post đều đặn vào thứ 6 hàng tuần nhưng với tính cách của mình thì chuyện post sai ngày là chuện dễ hiểu ấy mà 😀 Mọi người có thể vào hẳn Category hay chức năng tìm kiếm để tim đọc  nhé ^^ Các topic trong Category này được viết với mục đích  giới thiệu cho mọi người chút cóp nhặt kến thức của mình.