Hôm nay lại là thứ 6, bạn Linh xin phép được giới thiệu 1 chút về Vương Thúy Kiều – nữ chính trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Điều đầu tiên phải nói rằng Truyện Kiều là tác phẩm văn học mình yêu thích nhất trong suốt chương trình phổ thông. Chắc không có người VN nào không biết đến nàng Kiều nhưng đa số mọi người chỉ biết đến các đoạn trích trong SGK, vì vậy, mình sẽ nói về nàng Kiều ở những điểm (mà mình đoán) mà có thể các bạn chưa biết hoặc đã biết nhưng đã quên.
.
1. Thúy Kiều sinh năm nào?
“Phong tình có lục còn truyền sử xanh
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh… “
Xem lịch sử Trung Quốc thì có thể biết, Gia Tĩnh hoàng đế (Chu Hậu Thông) trị vì trong các năm 1521 – 1566. Khi câu chuyện bắt đầu thì Thúy Kiều “Xuân xanh sấp xỉ tới tuần cập kê” , nghĩa là con gái đến tuổi cho cài trâm và chuẩn bị … gả chồng được rồi, mà ngày xưa ông bà có câu “nữ thập tam, nam thập lục”, vậy tuổi cập kê có tể dao động từ 13 – 16, từ đó, có thể suy đoán Thúy Kiều sinh từ khoảng 1508 – 1553.
(theo wikipedia thì Thúy Kiều sinh năm 1524 nhưng chưa có gì đảm bảo rằng điều này đã chính xác).
.
2. Nhạc cụ của Kiều?
Từ đầu đến cuối Truyện Kiều, Nguyễn Du đã không ít lần miêu tả những đoạn Kiều chơi nhạc, vậy nhạc cụ của nàng là gì? Những người coi phim TQ thì dễ hình dung tới chuyện Kiều ngồi đánh đàn … tỳ bà hoặc đàn tam thập lục (cứ xem 1 số tranh ảnh vẽ minh họa về Kiều thì biết) nhưng trên thực tế thì khác hẳn. Giới thiệu về nhân vật, Nguyễn Du viết
“Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương”
Hồ cầm? đến đây thì phức tạp rồi, vì ở Trung Quốc, đây là danh từ được dùng để chỉ nhiều loại nhạc cụ như nhị hồ, cao hồ, nhị huyền v.v.. . Trích wikipedia:
Tại Trung Quốc, người Hoa cũng du nhập loại nhạc cụ này từ người Hồ (tên gọi được người Hán dùng để chỉ các dân tộc sinh sống tại vùng giáp giới giữa tây bắc Trung Quốc với các nước Trung Á) trong thời kỳ thịnh đạt của “Con đường tơ lụa”. Vì vậy nên người Trung Quốc gọi nó là Hồ cầm (đàn của người Hồ)
Trong lần đánh đàn cho Kim Trọng nghe, tác giả đã viết:
“Hiên sau treo sẵn cầm trăng,
Vội vàng Sinh đã tay nâng ngang mày…
So dần dây vũ dây văn,
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương.”
Sau đó, khi Thúy Kiều đánh đàn cho Mã Giám Sinh nghe, tác giả lại viết:
“Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.”
“Cầm trăng”, “Cầm nguyệt” – liệu có phải là 1? Nguyệt cầm là 1 loại nhạc cụ xuất hiện từ đời nhà Tần, sau đó loại đàn này du nhập sang Việt Nam vào thế kỷ thứ 18 và phiên bản đàn nguyệt ngày nay ở Việt Nam (hay còn gọi là đàn kìm) dài hơn so với nguyên bản. Dưới đây là hình ảnh của cây đàn (có thể) Thúy Kiều đã sử dụng:
(có thể hình ảnh Thúy Kiều gảy đàn không thật sự lả lướt như bạn đã hình dung trước đây…)
.
3. Kiều đánh đàn mấy lần?
Ở đây, mình chỉ xin liệt kê còn nói về chi tiết thì để dịp khác. Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều đã 8 lần đánh đàn:
1. Hẹn hò với Kim Trọng
“Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Khúc đâu Tư Mã Phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng !
Kê Khang này khúc Quảng lăng,
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.
Qua quan này khúc Chiêu Quân,
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.”
.
2. Biểu diễn khi Mã Giám Sinh tới mua: “… ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ”.
.
3. Tiếp khách sau khi bị Sở Khanh lừa gạt:
“Đòi phen nét vẽ, câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa,
Vui là vui gượng kẻo mà,
Ai tri âm đó, mặn mà với ai ?”
.
4. Tiếp Thúc Sinh ở lầu xanh:
“Khi gió gác khi trăng sân,
Bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ.
Khi hương sớm khi trà trưa,
Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn.”
.
5. Hầu Hoạn Thư:
“Phải đêm êm ả chiều trời,
Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày.
Lĩnh lời nàng mới lựa dây,
Nỉ non thánh thót dễ say lòng người.”
.
6. Tiệc của vợ chồng Thúc Sinh – Hoạn Thư:
“Rằng: Hoa nô đủ mọi tài,
Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe.
Nàng đà tán hoán tê mê,
Vâng lời ra trước bình the vặn đàn.
Bốn dây như khóc như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
Cùng chung một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm.”
.
7. Tiệc mừng công của Hồ Tôn Hiến:
“Bắt nàng thị yến dưới màn, Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu.
Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay !
Ve ngâm vượn hót nào tày,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.”
.
8. Đoàn viên với Kim Trọng:
“Phím đàn dìu dặt tay tiên,
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.
Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông !
Lọt tai nghe suốt năm cung,
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.”
Như vậy, Kiều đã 2 lần đánh đàn cho Kim Trọng nhưng lại chưa từng đánh đàn cho Từ Hải nghe. (thật đáng thương cho Từ công!)
.
4. Kiều cưới chồng mấy lần?
Thúy Kiều đã lên kiệu hoa “về nhà chồng” tổng cộng là 6 lần
1. Bị Mã Giám Sinh mua đi
“Kiệu hoa đâu đã đến ngoài,
Quản huyền đâu đã giục người sinh ly.
Đau lòng kẻ ở người đi,
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm.
Trời hôm mây kéo tối rầm,
Rầu rầu ngọn cỏ đầm đầm cành sương.”
.
2. Cưới Thúc Sinh (sau khi bị Thúc ông kiện & được quan huyện tha)
Kíp truyền sắm sửa lễ công,
Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao.
Bày hàng cổ xúy xôn xao,
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.
.
3. Cưới Bạc Hạnh
“Kiệu hoa đặt trước thềm hoa,
Bên trong thấy một mụ ra vội vàng.
Đưa nàng vào lạy gia đường,
Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh!”
.
4. Được Từ Hải đón về:
“Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,
Hoa quan phấp phới hà y rỡ ràng.
Dựng cờ, nổi trống lên đàng,
Trúc tơ nổi trước, kiệu vàng theo sau.
Hoả bài tiền lộ ruổi mau,
Nam đình nghe động trống chầu đại doanh.
Kéo cờ lũy, phát súng thành,
Từ công ra ngựa, thân nghênh cửa ngoài.”
tuy trước đó, Từ Hải có “nguyên ngân phát hoàn” chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh nhưng lần này mới là chính thức cho Kiều 1 danh phận.
.
5. Bị Hồ Tôn Hiến gả cho thổ quan:
“Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền,
Lá màn rủ thấp ngọn đèn khêu cao.”
.
6. Cưới Kim Trọng:
Tuy có nhiều người cho rằng Kiều chỉ về sống chung nhà và làm bạn tri kỷ thay vì vợ chồng với Kim Trọng. Nhưng theo cá nhân mình nghĩ là Kiều đã làm vợ Kim dựa trên những ý sau đây:
“Ba sinh đã phỉ mười nguyền,
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.”
.
“Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
Một cây cù mộc một sân quế hòe.”
Kinh thi viết: “Nam hữu cù mộc, cát lũy luy chi; Lạc chi quân tử, phúc lý luy chi”(Núi nam có cây to giống dây sắn, dây bìm leo lên quanh gốc cây; bà vợ cả hiền hậu, thiên tính vui vẽ, không bụng ghen tuông, phúc lộc thế nào cũng làm yên vui cho người khác) => Thúy Vân làm 1 người vợ cả tốt bụng & vị tha cho nên tuy không nói trực tiếp nhưng Thúy Kiều đã làm vợ lẽ của chồng em gái mình 😐 (đó là 1 trong những lý do mà mình rất không thích Kiều 😀 )