Thúy Vân

Trong Truyện Kiều, Thúy Vân chỉ là nhân vật phụ, do đó, từ trước đến nay ít nhận được sự quan tâm của độc giả như các nhân vật Thúy Kiều, Từ Hải, Kim Trọng.  Mình có bản Truyện Kiều in năm 1962 có tên là Kim Vân Kiều truyện, nếu nói như vậy thì Thúy Vân lại là 1 trong 3 nhân vật chính và nhân vật này lại không hề đơn giản như ta nghĩ. Hôm nay cùng tìm hiểu về cô gái này nhé.

.

“Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.”

.

Ở phần mở đầu, Nguyễn Du đã miêu tả Thúy Vân là một thiếu nữ xinh đẹp dịu dàng. Ngay từ khi miêu tả, Nguyễn Du đã đưa ra một dự báo rằng cuộc đời của Vân sau này sẽ ít chông gai hơn cô chị bởi với nhan sắc của Thúy Vân, “mây thua”, “tuyết nhường” còn với Thúy Kiều là  “hoa ghen”, “liễu hờn”. Vốn dĩ, làm người để người khác ghen, hờn với mình đã là 1 điều không lành mà để thiên nhiên, trời đất cũng phải ghen, phải hờn thì hẳn là 1 mối nguy.

.

Trong tiết thanh minh, đi ngang qua mộ Đạm Tiên, Thúy Kiều thì “sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài”,

“Vân rằng: Chị cũng nực cười,

Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”

Qua câu nói này, ta có thể thấy Vân là con người rất đơn giản.

.

Chẳng hiểu mọi người còn nhớ đoạn Kim Trọng gặp chị em Thúy Kiều hay không?

“Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,

Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.

Người quốc sắc, kẻ thiên tài,

Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.”

Như vậy, khi so sánh, trong 2 chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, 1 người đẹp như hoa lan mùa xuân, còn một người như hoa cúc mùa thu, hơn nữa, trong đoạn miêu tả đầu, Nguyễn Du cũng đã viết “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” cho nên tuy vẻ đẹp của họ không giống nhau nhưng cả hai đều đáng được goi là “quốc sắc”. Vì vậy,  “tình trong như đã” chưa chắc đã chỉ Kim Trọng và Thúy Kiều mà rất có thể cả Thúy Vân cũng đã có tình cảm với Kim Trọng từ lần đầu gặp gỡ ấy.

.

Trước khi Thúy Kiều bị gả bán cho Mã Giám Sinh, Thúy Vân đã an ủi chị:

“Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han:

Cơ trời dâu bể đa đoan,

Một nhà để chị riêng oan một mình,

Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh ?

Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?”

Những câu hỏi han “ân cần” này thể hiện Vân không hề vô tư, vô tâm mà lại là 1 cô gái biết suy nghĩ, quan tâm đến người khác và những câu hỏi này cũng là cái cớ để Thúy Kiều có dịp bày tỏ và trao duyên.

.

“Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.”

.

Những lời này của Kiều không chỉ là van xin, phó thác mà còn có phần là ép Vân vào thế không thể từ chối. Vân thay chị để làm vợ Kim Trọng, quả thực một việc khó khăn. Liệu Vân có mặc cảm vì Kim Trọng đã yêu Kiều rồi không? Và Kim Trọng có bằng lòng lấy Vân làm vợ – để gọi là thay Kiều không? Nếu như  chàng Kim từ chối vì lý do nào đó, thì nỗi tủi thẹn đau đớn của Vân đến mức nào? Ngược lại, chàng Kim bằng lòng vì lời căn dặn – coi như một lời trối nhắn của người yêu xưa, thì tình cảm giữa Kim Trọng với Vân là gì? Hay Vân chỉ là một người “vợ hờ”?

.

Kiều đã tuyệt vọng vì lỡ làng duyên tơ tóc với Kim Trọng nên xin Vân thay mình làm vợ Kim Trọng “gọi là trả chút nghĩa người”, nhưng dẫu sao người đọc có thể nghĩ rằng: Kiều cũng có ý không muốn để mất Kim Trọng vào tay của một phụ nữ xa lạ nào khác.

.

Độc giả vẫn thường thương xót Thúy Kiều lưu lạc 15 năm thì 15 năm đó, cuộc sống của Thúy Vân cũng chẳng hề dễ dàng. Trước khi Kim Trọng quay lại, gia cảnh khó khăn, Thúy Vân cùng Vương Quan phải “May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi.” Đến khi cưới Kim Trọng rồi, Vân lại phải ngày đêm thấy chồng:

“Khi ăn ở lúc ra vào,

Càng âu duyên mới càng dào tình xưa.

Nỗi nàng nhớ đến bao giờ,

Tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng. “

Kim Trọng đã cưới Thúy Vân nhưng vẫn nhớ, vẫn yêu Thúy Kiều, khi thì khóc, lúc thì đắm chìm trong những kỷ niệm cũ:

“Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa.

Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ,

Trầm bay nhạt khói gió đưa lay rèm.

Dường như bên nóc trước thềm,

Tiếng kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng,

Bởi lòng tạc đá ghi vàng,

Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây.

Những là phiền muộn đêm ngày,

Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần?”

.

Quãng thời gian ấy, liệu Thúy Vân có được vui vẻ, hạnh phúc? Sống với 1 người chồng “đồng sàng dị mộng”, thực hiện đầy đủ bổn phận của 1 người vợ nhưng tình nghĩa của Vân có được đáp lại trọn vẹn? Có bao giờ Vân hối tiếc vì đã nhận lời chị?

.

Ở trên, Thúy Vân đã “khơi mào” hỏi han để tạo cớ cho Thúy Kiều trao duyên, đến sau này, cũng chính Thúy Vân lại tạo cớ (hay Nguyễn Du lại 1 lần nữa “ép” nàng tạo cớ):

“Phòng xuân trướng rủ hoa đào,

Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng.

Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng,

Nghe lời chàng cũng hai đường tin nghi.”

Sau đó, Kim Trọng (với tư cách là quan tại Lâm Truy) mới bắt đầu điều tra để tìm vết tích của Kiều. Như vậy, 1 lần nữa, Thúy Vân lại tự làm khó cho mình.

.

Nếu Vân không lấy Kim Trọng thì đoạn kết sẽ khác hẳn. Kim Trọng kết hôn với một người phụ nữ không phải là Vân, liệu chàng có dám mở lời xin Kiều tái hợp duyên xưa với những câu hết sức tán tụng Kiều “hoa tàn mà lại thêm tươi; trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”, để rồi “hai thân thì cũng quyết theo một bài”? Nếu Thúy Vân không phải là người phụ nữ thiện lương, bao dung thì Vương ông, Vương bà có thể đứng ra tác hợp cho Kiều quay lại với Kim Trọng hay không? (làm sao họ có thể ép 1 cô con gái nhường chồng cho 1 cô con gái khác của mình?). Chẳng ai khác ngoài Vân có thể trong tiệc đoàn viên:

“Tàng tàng chén cúc dở say,

Đứng lên Vân mới giãi bày một hai.

Rằng: Trong tác hợp cơ trời.

Hai bên gặp gỡ một lời kết giao.

Gặp cơn bình địa ba đào,

Vậy đem duyên chị buộc vào cho em.

Cũng là phận cải duyên kim,

Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao ?

Những là rày ước mai ao,

Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình !

Bây giờ gương vỡ lại lành,

Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.

Còn duyên may lại còn người,

Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa

Quả mai ba bảy đương vừa,

Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì.”

.

Vân không biết ghen là gì chăng? Vân biết an phận tuỳ duyên “hồng nhan bạc phận” hay Vân là một người ngốc nghếch? E rằng “tàng tàng chén cúc dở say” lại là lúc Thúy Vân tỉnh táo nhất. Chỉ có Vân lúc này mới có quyền đứng ra tác hợp lại cho chị gái và chồng mình mà thôi. Từ đầu tác phẩm, Vân vốn rất ít nói và đây là lần Vân nói dài nhất (14 câu).

.

“Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi”, trời đã chọn lọc, quyết định cho cả hai (tức Kiều và Kim Trọng) kết thành chồng vợ với nhau rồi; vả lại hai người trước đã có lời thề nguyền với nhau thì cần phải giữ, cần phải thực hiện khi được gặp nhau, vì trước “gương kia đã vỡ nay gắn lại cho lành” là lẽ tất nhiên. “Gương vỡ lại lành”, Vân là một nhân vật “mở gút”, một nhân vật cần thiết, hy sinh tình cảm uẩn khúc của mình.

.

Vâng lời chị chung thân với Kim Trọng, Vân có buồn tủi thân phận chăng? Nay chị trở về, trả chồng lại cho chị, Vân có ganh tị, ghen tuông, hờn mát mà nói “lẫy” không? Vân, con người trầm lặng, khó hiểu.Bút pháp của tác giả “Truyện Kiều” diễn tả tâm lý, tình cảm của nhân vật trong truyện rất điêu luyện, nhưng đối với Thúy Vân – được coi là nhân vật phụ nên tác giả diễn tả ở phần đầu đơn sơ quá. Phải chăng vì Vân là nhân vật phụ với bản tính mộc mạc, một nhân vật tầm thường, không cần thiết nên không cần phải lưu ý?

.

Nhiều người cho rằng Thúy Vân may mắn hơn Thúy Kiều rất nhiều, tuy mình đã nói ở đoạn đầu, cuộc đời của Vân ít chông gai hơn nhưng nàng lại chẳng có được hạnh phúc đích thực.  Thúy Kiều trong 15 năm ấy có 1 người luôn tưởng nhớ đến nàng là Kim Trọng, lại gặp được 1 vị anh hùng cái thế cũng yêu chiều nàng hết mực là Từ Hải thì đã là may mắn hơnThúy Vân rất nhiều bởi tình yêu đúng nghĩa thì  không  nhiều còn tri kỷ thì khó gặp.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s