Mình quyết định chia sẻ với mọi người những hiểu biết sơ sài của mình về nhà Trần theo những chủ đề mình quan tâm. Thông tin chung về nhà Trần, mọi người có thể tham khảo thông tin ở Wikipedia. Chủ đề đầu tiên là Những phụ nữ đáng nhớ, theo cá nhân mình là Lý Chiêu Hoàng, Trần Huyền Trân, Trần Thị Dung.
.
1. Lý Chiêu Hoàng
À, tuy bà không phải là người họ Trần nhưng khi nghĩ tới phụ nữ triều Trần mình nghĩ ngay đến bà. Tên húy của bà là Lý Phật Kim. Theo cá nhân mình, đây là người phụ nữ bất hạnh nhất lịch sử Việt Nam. Cần lý do ư?
– Tuy là con gái, nhưng từ nhỏ đã được phong làm Thái tử vì vua cha là Lý Huệ Tông không có con trai. Rồi sau đó trở thành vị vua nữ duy nhất của Việt Nam. Sẽ có người bảo là trước Lý Chiêu Hoàng còn có Trưng Vương (Trưng Trắc) nhưng đừng nhầm lẫn giữa “vương” và “hoàng” nhé 🙂 Một cô gái phải mang trọng trách chính trị của nam giới, mặc cái áo của người khác, có vui không? Không.
– Bị gài bẫy cưới Trần Cảnh. Khi chỉ là trẻ con đã được sắp xếp ở gần Trần Cảnh rồi lại bị sắp xếp cho cưới anh chàng hầu cận này (7 tuổi thì biết gì mà yêu đương, cưới xin cơ chứ), rồi lại bị ép nhường ngôi cho chồng, trở thành hoàng hậu Chiêu Thánh và mặc nhiên trở thành tội đồ của nhà Lý. Trong khi tám vị vua trước (gồm cả cha của bà) đều được thờ ở Đền Đô (đền Lý Bát đế, Bắc Ninh), thì bà không được thờ ở đây.
– Gia đình bất hạnh. Bà lớn lên nhìn thấy người cha lúc điên lúc tỉnh rồi ông kết thúc bằng cách treo cổ tự vẫn và người mẹ (Trần Thị Dung) coi rẻ cả chồng lẫn tình mẫu tử.
– Hôn nhân đổ vỡ. Sau khi Trần Cảnh lên ngôi vua 1 thời gian và do bà không sinh được người kế vị nên Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh phải bỏ bà để lấy chính người chị gái bà là công chúa Thuận Thiên (lúc ấy là vợ của Trần Liễu – anh trai Trần Cảnh).
– Sau khi bị bỏ rơi bởi cả những người họ Lý lẫn họ Trần, Chiêu Thánh cũng chưa được yên thân. Bà 1 lần nữa lại trở thành quân cờ chính trị khi bị chồng cũ (Trần Cảnh) đem gả cho Lê Phụ Trần (1 tướng có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất).
Bà đi 1 vòng từ công chúa thành Thái tử Chiêu Thánh rồi thành vua bà Lý Chiêu Hoàng, sau đó là hoàng hậu Chiêu Thánh, rồi lại trở về là công chúa Chiêu Thánh và cuối cùng là vợ một vị tướng. Chức danh thì có lúc cao tột đỉnh nhưng rốt cuộc, bản thân bà chưa bao giờ được tự quyết định vận mệnh của chính mình. Là do cái tuổi Mậu Dần long đong? Hay thật ra cuộc đời bà bất hạnh như thế chỉ vì âm mưu, lòng tham, nhẫn tâm, vô trách nhiệm của những người đàn ông xung quanh bà?
(mình thấy NSND Lê Khanh đã rất thành công khi vào vai Lý Chiêu Hoàng cao quý, đằm thắm & sầu muộn trong vở Rừng trúc)
.
.
2. Trần Huyền Trân
Một trong những vị công chúa nổi tiếng của nhà Trần và căn cứ vào số lượng thành phố, thị xã có đường Huyền Trân Công Chúa thì có thể thấy mức độ được yêu thích của bà.
.
Là con gái của vua Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông, sau bà đc gả cho vua Chế Mân của nước Chiêm Thành. Thông thường, công chúa nước nhỏ được gả sang nước lớn là để cầu hòa, cầu thân còn công chúa nước lớn ít khi bị gả sang nước nhỏ. Trong trường hợp này, Huyền Trân, công chúa Đại Việt được gả bán sang Chiêm Thành với cái giá khá cao: 2 châu Ô, Lý.
Sau khi bà về nhà chồng khoảng 1 năm thì Chế Mân qua đời. Trước tin là bà sẽ bị thiêu theo chồng, hiện nay, các nhà lịch sử phủ nhận điều này, vì theo luật, nếu phải thiêu thì người vợ chính thất của Chế Mân là hoàng hậu Tapasi bị thiêu chứ … không đến lượt Huyền Trân. Nhà Trần cử Trần Khắc Chung sang đón bà về Đại Việt, cũng có thông tin cho rằng trên đường về, 2 người đã tư thông với nhau. Khi về tới nơi, thì bà bị ép đi tu, pháp danh là Hương Tràng.
- “Năm tê trong lúc sang Xuân
- Tôi theo Công chúa Huyền Trân tôi lên đường
- Đường máu xương đã lắm oán thương
- Đổi sắc hương lấy cõi giang san”
(Con đường cái quan – Phạm Duy)
Mình vẫn chưa hiểu công chúa Trần Huyền Trân được nhân dân ta yêu thích vì lý do nào. Chuyện bà bị ép sang Chiêm Thành là 1 cuộc trao đổi khá tham lam của cha và anh trai bà, rồi hôn nhân ngắn ngủi của bà với Chế Mân cũng chỉ khiến bà trở thành người phụ nữ đáng thương mà thôi. Nói cho cùng, không có Trần Huyền Trân thì cũng sẽ có 1 công chúa Trần XYZ khác bị gả đi.
.
.
3. Trần Thị Dung
Sẽ có 1 vài người thắc mắc: “Quái, ai thế nhỉ?”. Xin thưa, nếu không có bà thì chưa chắc đã có triều nhà Trần trong lịch sử VN. Đây là người phụ nữ quyền lực & tàn nhẫn bậc nhất.
Bà là 1 người đẹp 😀 chắc chắn rồi, cho nên đã làm cho chàng thái tử Lý Sảm say mê rồi cưới bà về làm vợ. Thế là, Trần Thị Dung trở thành hoàng hậu Thuận Trinh, vị hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý. Nghe thì đơn giản thế thôi nhưng đó là 1 âm mưu khá phức tạp của 1 số người họ Trần là các anh trai, các anh em họ của bà, họ cứu giúp Lý Sảm rồi hỗ trợ ông ta lên ngôi vua. Sau khi làm hoàng hậu, bà đã giúp đỡ cánh đàn ông họ Trần dần thao túng triều đình nhà Lý.
Bà sinh được 2 cô con gái là Lý Ngọc Oanh – công chúa Thuận Thiên và Lý Phật Kim – công chúa Chiêu Thánh. Cả 2 cô con gái của bà được gả cho 2 anh em Trần Liễu, Trần Cảnh (đều là cháu gọi bà bằng cô ruột). Đây là 1 bước đi hết sức thông minh vì chắc chắn quyền bính không thể lọt ra khỏi tay họ Trần.
Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái và đi tu, Trần Thị Dung trở thành Thái thượng hoàng hậu (thái hậu). Khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, nhà Trần lên nắm ngôi, ý đồ ban đầu đã hoàn tất, bà được phong (hay hạ xuống) làm công chúa Thiên Cực.
Sau khi chồng tự tử, làm bà góa ko bao lâu thì bà kết hôn với Trần Thủ Độ, (Từ thưở thiếu thời bà và Trần Thủ Độ đã yêu nhau nhưng 2 người trẻ tuổi chấp nhận hy sinh tình riêng vì việc lớn), trở thành phu nhân Thái sư, hoàn tất đoạn tình duyên dang dở (cũng phải công nhận là Thủ Độ rất chung tình 🙂 ) Rồi chung tay với chồng ép con rể út (Trần Cảnh) bỏ con gái út (Lý Chiêu Hoàng) để lấy con gái cả (Thuận Thiên) khi ấy đang có thai với con rể cả (Trần Liễu).
Cuộc đời bà nhất quán từ trẻ tới già, có thể hy sinh hạnh phúc bản thân để cưới Huệ Tông , rồi hy sinh hạnh phúc của 2 người con gái ruột, đều là 1 lòng vì họ Trần. Với nhà Trần, bà là người có công, được phong Linh Từ Quốc Mẫu nhưng với mình, bà là 1 người vợ tồi, 1 người mẹ tệ.
.
.
4. Ngoạn Thiềm & An Tư
Có thể nói, nhà Trần rất giỏi hôn nhân để đạt được mục đích nào đó, hay nói cách khác, họ rất giỏi trong việc hy sinh hạnh phúc của 1 số cá nhân để đạt mục đích lớn hơn. Ngoai những cuộc hôn nhân như của Trần Thị Dung lấy Lý Huệ Tông, Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng rồi lấy Thuận Thiên, Huyền Trân lấy Chế Mân khá nổi tiếng ra, còn có hai vị công chúa khác.
Ngoạn Thiềm là công chúa bị gả cho Nguyễn Nộn. Số là khi nhà Trần mới thành lập, tướng Nguyễn Nộn có quyền lực lớn, lại là công thần nên dù vua nhà Trần có lo ngại nhưng chưa thể làm gì được nên gả công chúa hòng dò xét. Sau khi Nộn chết, thiên hạ mới quy về 1 mối.
An Tư là con gái của Trần Cảnh, trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ 2, bà bị đem gả cho Thoát Hoan (con trai Hốt Tất Liệt) để hoãn binh. Sau khi chồng phải chui vào ống đồng chạy trốn thì chẳng ai rõ số phận của bà như thế nào.
- Năm tê trong lúc sang Xuân
- Tôi theo Công chúa Huyền Trân tôi lên đường
- Đường máu xương đã lắm oán thương
- Đổi sắc hương lấy cõi giang san
Pingback: Nhà Trần – Chuyện hôn nhân hoàng tộc « Linh's Blog