1. Nơi ở
1.1 Phnom Penh
Bọn mình ở tại Hiland Hotel, phòng mới, sạch sẽ và hơi xa trung tâm (có thể đổi dollar ở khách sạn), cũng chỉ ở 1 đêm duy nhất nên không giữ lại địa chỉ.
1.2 Siem Reap
Bọn mình ở tại Monica Angkor Hotel với giá do người quen giới thiệu là 15USD/đêm. Mình đã nghĩ hoài mà vẫn chưa tìm ra điểm nào để phàn nàn về khách sạn, phòng mới, đẹp, địa điểm khá gần khu chợ đêm (vốn dĩ Siem Reap là 1 thị trấn nhỏ xinh cho nên mọi người không cần quá bận tâm về vị trí chỗ ở, cứ lên xe đi tầm 20′ là gần hết những con đường chính ở thị trấn), nhân viên cực kỳ dễ mến. Phòng mình có bồn tắm nóng lạnh, thậm chí khay khăn còn được trang trí bằng hoa lan, cửa sổ mở ra vườn. Ở cửa khách sạn còn có 1 con chim biết nói tiếng Việt, thực ra cũng chỉ có 2 câu thôi “Chào anh”, “Chào em” nhưng đủ làm khối người cười sung sướng.
Monica Angkor Hotel
http://www.monica-angkorhotel.com
No.#245, đường Charles De Gaulle (đường đi Angkor Wat, rất gần Museum Hall và trụ sở của The Sinh Tourist), Siem Reap
E-mail: | reservation@monica-angkorhotel.com |
Telephone: | (855) 063 764 444 / 765 555 |
Giá phòng twin (2 giường ngủ được 4 người) , máy lạnh, nước nóng ở Cambodia vào khoảng 12-15USD đã là phòng tốt. Nếu thích và nhất là vào mùa thấp điểm, có thể sang tận nơi, vào khu vực trung tâm, hay phố Tây có nhiều nhà nghỉ, khách sạn đi xem 1 lượt, thích chỗ nào thì ở chỗ đó. 1 điểm lưu ý là hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ ở Cambodia đều có thể deal giá trực tiếp qua email với giá thấp hơn 2-3USD/đêm so với giá niêm yết trên website hay những trang Hostelworld, Tripadvisor.
2. Đi lại
2.1 Từ Việt Nam đến Phnom Penh và ngược lại
Có rấ nhiều hãng xe chạy tuyến đường này như Mai Linh, Sapaco, Kumho (của Việt Nam), Soyra, Khainam (của Cambodia). Khuyên mọi người nên đi Sapaco vì so với các cty của VN thì cty này chuyên làm tuyến đường này, quen biết hải quan, thủ tục cực nhanh gọn lẹ khi qua cửa khẩu, so với các cty Cambodia (cụ thể là Soyra và so sánh khi nhìn từ bên ngoài 2 hãng khác) thì xe này ghế rộng, xe lớn và chạy an toàn hơn. Mỗi ngày Sapaco cũng có nhiều tuyến từ sáng sớm đến chiều.
Xe Sapaco và Kumho trả về bến riêng ở văn phòng cty ở Phnom Penh (2 cty này đặt vp gần nhau) còn xe các cty của Cambodia trả khách ở bến xe trung tâm, sát chợ Mới (sẽ tiện hơn nếu bạn có ý định đi sang các tỉnh khác của Cambodia)
Giá vé là 10USD/người, mua 10 vé tặng 1.
2.2 Từ Phnom Penh đến Siem Reap và ngược lại
Từ Phnom Penh lên Siem Reap có rất nhiều hãng xe. Đoàn mình chọn Soyra vé 8USD/người, so với xe của Sapaco thì xe Soyra khá cũ, ghế chật, nặng mùi hơn và đáng sợ nhất là máy lạnh chỉ có 2 chế độ: LẠNH RUN và NÓNG HẦM HẬP. Suốt chặng đường gần 7 tiếng đồng hồ, trong tiếng răng đánh lập cập, hành khách thay nhau xé báo, gấp túi nylon để che máy lạnh phía trên đầu mình, thậm chí có 1 bạn Tây còn phải mở hành lý lấy ra 1 chiếc quần jeans tròng vào cho ấm.
Giá vé: 8USD/người. Đoàn mình đi 14 người và mua luôn 2 lượt đi-về nên giảm còn 6USD
2.3 Tham quan ở Siem Reap
Trong thời gian ở Siem Reap, thay vì phải thuê 3 chiếc tuk tuk, đoàn mình quyết định thuê 1 chiếc van của khách sạn để di chuyển. Nếu các bạn đi đông người thì đây là 1 lựa chọn sáng suốt vì tuk tuk ở Siem Reap nhỏ hơn ở Phnom Penh, chỉ chở được 4 người là kịch kim, giá khoảng 12USD/ngày mà trời thì nắng, đường thì bụi …. Giá 1 ngày cho van vòng quanh Siem Reap là 40USD, nếu xác định thuê phòng và thuê xe ngay từ đầu thì khách sạn sẽ cho xe đến đón rồi chở đi ăn tối miễn phí trong đêm đầu tiên. Nếu các bạn đi xa khỏi thị trấn như lên núi Kulen hay Banteay Srey thì trả thêm khoảng 35USD/ngày.
Tài xế chở đoàn mình là anh Bora (thường được đoàn mình phiên âm là “bô ra”, “bò ra”, “bố già”), độc thân, hiền lành, dễ thương, hay cười tủm tỉm, nói được 1 ít tiếng Anh, tiếng Việt thì biết được mỗi 1 câu “Trăm phần trăm, dzô” (do đoàn mình dạy trong buổi tối cuối cùng) và có 1 đôi mắt đẹp. Nếu đoàn các bạn đa số là nữ dễ mê trai thì tốt nhất không nên thuê anh này vì có thể gây mất đoàn kết nội bộ. À ừm, kết luận bỏ túi của chị em đoàn mình đó là đàn ông ở Siem Reap đẹp trai hơn hẳn ở Phnom Penh. Nếu các bạn cần thì cứ pm, mình sẽ cho sdt của anh Bora.
3. Ăn uống
Giá thức ăn ở Siem Reap tương đối rẻ và dễ ăn, bọn mình đã ăn ở cả nhà hàng Thái, nhà hàng của người Hoa, quán cafe sân vườn nhưng thấy giá cả không chênh lệch nhau nhiều. Cafe ở Siem Reap không ngon như ở SG và bất kể bạn ăn sáng món nào thì trên bàn cũng có 1 dĩa quẩy.
Nhiệt liệt recommend mọi người đến ăn sáng ở quán phở Yong trên đường Charles De Gaulle, chỉ cách khách sạn Monica 1,2 căn, ở đây có bán đủ món phở, hủ tiếu, bánh mì ốp la và thậm chí là cả dimsum, ăn rất ngon với giá 2-3USD/người.
Về buffet và coi múa Apsara thì ban đầu bọn mình định đi Sophea với giá 8USD nhưng sau đó lại chọn Angkor Mondial (nhà hàng 3 sao) với giá 6USD do có người quen giới thiệu (^^ phải nói lần này đoàn mình đi thuận lợi như vậy 1 phần là do có quan hệ bừa bãi, à nhầm, ý mình là quan hệ rộng rãi và bạn bè của đoàn thì quá nhiệt tình) dù giá niêm yết trên website là 12USD, thức ăn thì bình thường nhưng bánh flan tráng miệng thì ngon ơi là ngon.

múa Apsara
Ăn tối ở nhà hàng Chivit Thai là 1 gợi ý khi các bạn ở Siem Reap khoảng 3 ngày như đoàn mình. Mình đã khen ở phía trên rồi và nhà hàng này cũng được nhận review tốt của New York Times: http://travel.nytimes.com/travel/gui…nt-detail.html
Bò ở Cambodia ngon hơn bò ở Việt Nam nên nếu có điều kiện, các bạn cố gắng thu xếp đến 1 quán bò và thưởng thức món bò nướng vừa mềm vừa thơm, ăn cùng với mắm bò hóc. Mắm bò hóc (prahok) có mùi rất riêng nhưng nếu ai ăn được mắm tôm thì chắc chắn sẽ ăn được bò hóc, mắm được trộn chung với xả băm, đậu phộng rang, nước cốt chanh và gì đó nữa mà mình quên mất rồi để làm nước chấm thì bắt thức ăn phải biết. Đoàn mình ăn ở quán 62 trên đường 60 (ngay đoạn chợ đêm bờ kênh).
Nếu các bạn là người ngại ăn uống ở chỗ lạ hay hàng quán của địa phương thì đừng lo gì cả vì ở Siem Reap nhỏ xíu nhưng có vài siêu thị lớn và hàng chục minimart mở 24/7, chỉ có điều đừng mua nước uống trong các minimart vì giá rất đắt. Bọn mình nhờ anh Bora đưa đi nên mua được nước đóng chai với giá: 1USD/12 chai, rẻ giật mình nha, trên xe lại còn có thùng đựng đá nên mua thêm 0.5USD tiền đá là cả đoàn đi tung tẩy cả ngày được rồi.
Đã đến Cambodia, các bạn cũng nên thử uống nước thốt nốt tươi cho biết. Giá là 0.5USD/bịch nhỏ. Nước thốt nốt ngọt thơm đặc trưng, hơi lạ và khá tốt để nạp năng lượng trên đường tham quan. Bia Angkor rất êm,nên thử!
4. Tham quan, mua sắm
4.1 Phnom Penh
Không có nhiều thời gian ở đây nhưng nhìn chung là giá cả hàng điện tử, kẹo bánh và quần áo, giày dép rẻ đáng ngạc nhiên sau khi bọn mình lượn lờ ở chợ Mới (Psar Thmey), chợ Orrusey (chợ Cây Tre) và siêu thị Soyra gần chợ Mới. Nghe các anh nam bảo là sang đây mua xe đạp độ, dàn âm thanh, cần câu cá xịn và phụ kiện máy ảnh cũng rất “đã”…
4.2 Siem Reap
Đến Siem Reap, chắc chắn không ai không đi tham quan quần thể Angkor. Các điểm tham quan cho 1 ngày thường là những ngôi đền chính: Ta Phrom, Bayon, Angkor Wat (nhìn chung là 1 khi có hướng dẫn viên thì khỏi phải suy nghĩ nhiều, cứ đi theo là được). Giá vé cho khách quốc tế 1 ngày là 20USD, 3 ngày là 40USD. Khách Tây thường mua vé 3 ngày, 1 tuần thậm chí lâu hơn để tỉ mỉ nghiên cứu kỹ về nơi này trong khi đó khách Việt Nam thường chọn tham quan 1 ngày theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, chụp hình chứng minh đã đi qua là chính. Dân Cambodia được miễn phí (haiz, lại ước ao 1 ngày Hạ Long – giờ cũng 1 trong 7 “kỳ quan thế giới” sẽ miễn phí cho dân Việt ta).
Cảnh sát du lịch có ở khắp nơi và trước khi vào cửa các bạn phải trình vé (có hình chụp của mình) để kiểm tra. Vé có giá trị ở toàn bộ các đền đài, di tích thuộc quần thể Angkor và đừng nghĩ đến chuyện trốn vé hay hối lộ. Ngay cả khi bạn muốn tiết kiệm chi phí thì hãy cắt giảm ở những khoản khác, theo ý kiến cá nhân mình thì Angkor quá hoành tráng, quá đáng tiền, đáng công so với … thánh địa Mỹ Sơn nhà ta (cho dù cũng được công nhận di sản thế giới) và góp 1 phần nhỏ vào quá trình bảo tồn Angkor là việc nên làm.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thật kỹ về Angkor thì nên mua 1 cuốn sách ảnh giới thiệu, được người dân địa phương bán rất nhiều xung quanh khu di tích này. Ngay cả khi giá bìa là 27USD và người bán khăng khăng “the best price is 15USD” thì hãy cứ mạnh dạn trả giá 7USD vì mình đã mua được giá đó ở Angkor Wat (chẳng biết có bị hớ không nữa), đừng nao núng khi mặc cả sách, ai lì hơn người đó thắng.
Giá vé vào khu bảo tồn núi Kulen cho khách nước ngoài là 20USD và cho người Cambodia là 0.5USD. Buổi sáng chỉ mở đường cho xe chạy lên núi và từ giữa trưa chỉ mở đường cho xe chạy xuống nên nếu bạn muốn đi thì đừng quên nhé.

tầng thác thứ 2 của núi Kulen
Chợ đêm ở Siem Reap thích hơn ở Phnom Penh, nó là sự kết hợp của vài con phố ở gần phố Tây, bán đến 12pm. Mặt hàng chủ yếu là tranh ảnh, quần áo, khăn, đồ trang sức. Điều cơ bản khi đi mua đó là trả giá nhiệt tình, thậm chí trả giá 1/3 đôi khi còn bị hớ nên cứ thoải mái đi vì người bán ở Cambodia dễ chịu hơn người VN nhiều. Họ nói giá với bạn là 10USD 1 cái khăn ư? cứ trả từ 3USD là vừa. Bạc ở Siem Reap trông cũng khá bắt mắt nhưng nghe nói đa phần đều là hàng pha thậm chí là bạc giả nên theo mình thì không nên mua.
Ở Siem Reap, dịch vụ massage rất phổ biến, từ các dãy ghế massage ngoài trời trong chợ đêm cho đến các tiệm massage sang trọng. Ở chợ đêm, giá trung bình là 1USD/15 phút và 5USD/1 suất body massage trong 1 tiếng. Chủ yếu ở Siem Reap là massage dầu chứ không có xông hơi, ngâm thảo dược như bên Thailand. Massage cá thì 1USD/15 phút có miễn phí 1 lon bia hoặc 1 lon Coke. Cả đoàn mình đều thích massage và rõ ràng sau 1 ngày quần thảo trong nắng nóng ở Angkor thì 1 tiếng massage chân, vai là quá hữu ích.
massage tập thể