Sau phần về Hướng dẫn đi lại tại Bangkok, hôm nay mình viết tiếp về nơi ăn, chốn ở tại Bangkok.
.
2. Nơi ăn
Ăn uống ở Bangkok khá phong phú, đa dạng, từ quán bình dân vỉa hè, các foodcourt tại các trung tâm mua sắm hay những nhà hàng high-end.
2.1 Thức ăn đường phố
Những món bình dân trên phố mà các bạn có thể dễ dàng gặp vào buổi sáng lẫn chiều tối đó là pad thai, cơm gà. Mình không ăn được cay cho nên lúc ăn uống cũng có hơi hạn chế. Mình sẽ giới thiệu vài món và giá cả để các bạn dễ ước lượng.
đây là dĩa pad thai với thịt heo chiên giá 60 bath ở đầu đường khách sạn mình ở. Nói chung đến Thailand thì ăn pad thai như chuyện đến Việt Nam ăn phở vậy. Món pad Thai là mì xào chung với giá, trứng và tùy theo bạn gọi sẽ có thêm thịt bò/ heo/ hải sản. Món này dễ ăn.
Cơm gà luộc giá 35 bath, đoạn Sukhumvit nằm giữa soi 24 và soi 22. Nước canh là nước luộc gà nấu với bí xanh, rất ngon.
Đến Bangkok, đừng bỏ qua các loại nước trái cây tại đây. Ở các BTS thường có quầy nước của Mr.Orange, ở đây bán các chai nước ép rất thơm ngon, mình thích nhất là chai màu đỏ với thành phần là củ dền, chanh leo. Trên đường phố cũng có nhiều xe bán trái cây và nước trái cây, nước quít là 1 món đặc sắc mà mọi người nên thử.
.
2.2 Món Nhật
Ở các trung tâm mua sắm luôn có ít nhất là 1 tầng riêng chuyên phục vụ ăn uống. Các foodcourt phong phú, đa dạng. 1 điểm đặc biệt là người Thái có vẻ rất thích ăn món Nhật cho nên đâu đâu cũng thấy nhà hàng bán món Nhật.
Có 1 thương hiệu mà mình thích đó là Yamagoya Ramen. Giá 1 suất cơm hay mì dao động từ 150 – 220 bath (trước thuế). Món ăn ở đây dĩ nhiên ngon nhất vẫn là ramen nhưng ngoài ra thì các món khác cũng không tệ.
Nếu thích ăn buffet món Nhật, 1 lựa chọn tốt đó là buffet Shabushi by Oishi , giá khoảng gần 400 bath. Mình ăn ở CentralWorld nhưng chắc là còn vài cái nữa ở mấy trung tâm khác. Vì ăn buffet ngại mang máy chụp lăng quăng nên không có hình.
.
2.3 Các tiệm bánh ngọt
2.3.1 Let them eat cakeĐây là 1 cửa hàng bán bánh ngọt hạng A ở Bangkok. Ít loại (tầm hơn chục loại) nhưng bánh ngọt ở đây được nâng lên tầm tinh tế rồi. Quán be bé xinh xinh, thiết kế thanh lịch. Mở cửa từ 11am cho đến khi hết bánh (tầm 5 – 6pm). Giá bánh khoảng 150-220 bath trước thuế, loại bánh được yêu thích nhất là Thai tea tart.
Vị bánh thơm ngọt, tan trên đầu lưỡi … rất khó quên
Địa chỉ: tầng trệt trung tâm Mille Malle, Sukhumvit soi 20.
.
2.3.2 Cupcake love
Quán này ở tầng 4, Siam Paragon. Giá set gồm trà và 1 cupcake là 225 bath. Theo cá nhân mình thì bánh ở đây ngon, nhưng trà còn đặc sắc hơn, món trà raspberry của mình rất thơm, rất thanh, rất vừa miệng, hơi chua chua đánh thức vị giác và rất hợp với vị ngọt của bánh.
.
2.4 Midtown
Midtown là 1 nhà hàng ở Siam Paragon có thực đơn gồm món Âu lẫn món Thái rất ngon. Quán có không khí dễ chịu, nước không ngon nhưng các món ăn thì tuyệt vời.
Tại đây mình được dùng món tomyam, salad trái cây ngon nhất từ trước tới giờ.
bữa trưa gồm cơm với tomyam, salad trái cây và tôm chiên bột + 1 nước cam là 390 bath.
.
2.5 Buffet Baiyoke
Bữa ăn có view đáng giá từ tầng 78 của Baiyoke – tòa nhà cao nhất Thailand.
Các bạn có thể đặt trước ở đây:
http://www.baiyokebuffet.com/Restaurant/Restaurant.aspx
hoặc đến tận nơi mới mua vé. Giá 1100 bath này đã bao gồm buffet và vé vào cửa ngắm cảnh ở tầng 77, 1 phần nước ngọt, ngắm cảnh ở tầng 83 và được ra ban công tầng 84 – phần tháp xoay 360 độ của tòa nhà. Thú thực mà nói, theo mình thì trong 1100 bath thì buffet chỉ đáng 200 bath mà thôi vì thức ăn nghèo nàn, nói chung là không đáng tiền, đặc biệt ở đây là điểm mà nhiều khách đoàn Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam tới – và không khó đoán cảnh tượng ồn ào, lộn xộn tại các quầy thức ăn. 1 điểm trừ khác là vì tòa nhà quá cao nên việc chờ thang máy và di chuyển cũng rất phức tạp, cụ thể là từ tầng 84, mình phải đổi thang máy 3 lần để đến được sảnh.
1 điều cuối cùng khiến mình không bao giờ quay lại Baiyoke đó là nó nằm ở khu người Ấn, khá là lộn xộn, không có cảm giác an toàn như ở Siam hay Sukhumvit.
Và sau tất cả mà bạn vẫn muốn đây ăn để có tầm nhìn toàn cảnh Bangkok thì nhớ từ sảnh bắt thang máy lên lầu 19 để nhận thẻ, sau đó bắt thang máy lên lầu 77 rồi đi bộ lên 78 để ăn. Muốn lên tầng 84 thì từ nhà hàng tầng 78, đi bộ xuống 77, bắt thang máy lên 83 rồi leo 1 lầu lên 84 😀 hơi lằng nhằng.
,
3.6 Mango Tango
Đây là quán dessert mà mình luôn muốn quay lại. Các món ngọt với xoài ở đây ngon mê ly.
Quán mở cửa lúc 12pm – tầm 9pm, khách đông nườm nượp nên chuyện giữa trưa có hơn 20 khách phải xếp hàng vào ăn là chuyện bình thường. Việc chọn món cũng được thực hiện trong thời gian xếp hàng luôn để tiết kiệm thời gian.
Đây là món Mango Rumba với pudding xoài, xoài, dưa hấu, dưa lưới, thanh long với nước cốt dừa, hột é.
Để đến được quán, bạn đến BTS Siam, xuống cầu thang phía đối diện với Siam Paragon, trước mặt bạn sẽ là Soi 5 (1 dãy kiosh), đi hết đường (khoảng 5 phút), bạn sẽ thấy Mango Tango. (đối diện Mango Tango, ở bên kia đường là nhà hàng Ban Khun Mae).
.
2.7 Foodcourt
Trong các foodcourt như ở Platinum Mall, bạn tới quầy ticket để lấy thẻ và nạp tiền vào thẻ, tới các quầy thức ăn và dùng thẻ để mua, ăn xong thì lại đem thẻ ra quầy lấy lại tiền thừa. Việc dùng thẻ hay và tiên hơn dùng phiếu ở các foodcourt ở Cambodia, Việt Nam.
.
3. Chốn ở
Như đã nói ở bài trước, tùy theo ngân sách, ý thích để bạn có thể chọn được khách sạn như ý ở Bangkok nhưng quan trọng là hãy để ý 1 chút xem vị trí của khách sạn có thuận tiện hay không. Sau 1 ngày tung tăng chơi bời hay shopping mà phải lết bộ vài cây số để đến khách sạn thì đúng là cực hình. 1 gợi ý là các bạn nên chọn khách sạn ở trục đường Sukhumvit, Silom, Ploenchit vì đây là khu vực có BTS, MRT, nhiều khách sạn, nhà hàng. Mình không thích khu Khaosan vì ở đó quá ồn ào, lộn xộn với các bạn Tây ba lô rượu bia ca hát đến gần sáng.
Nói tới đây thì phải khen cách quy hoạch của các bạn Bangkok 1 chút, với những trục đường lớn thì các đường nhỏ 2 bên trục đường chính này (như xương cá ấy) được đánh số, 1 bên chẵn, 1 bên lẻ nên khá là dễ hình dung. Ví dụ, địa chỉ khách sạn của bạn ở Sukhumvit soi 18, à, vậy nếu có nhà hàng nào ở Sukhumvit soi 16 thì bạn yên tâm là gần nhé.
Mình ở khách sạn Park Plaza, xếp thứ 34 trên hơn 7000 khách sạn trên trang tripadvisor nên cũng thấy tương đối yên tâm, giá cả cũng phù hợp. Đó là 1 lựa chọn đúng đắn vì khách sạn này rất gần BTS Asok và cách Terminal 21 khoảng 10 phút đi bộ, soi 18 khá là yên tĩnh, sạch sẽ, đầu đường có vài hàng ăn ngon. Phòng mới, giường êm, chăn gối sạch tinh, thơm tho (chẹp, ngủ trên giường lạ mà có cảm giác không-được-sạch thì mình trằn trọc lắm, hic).
Khách sạn có cả hồ bơi, jacuzzi, phòng gym trên tầng 8 (mình ở tầng 6).
.
.
4. Điện thoại và sim
Vào bất cứ cửa hàng 7/11 nào ở Thailand, bạn cũng có thể mua sim điện thoại, hiện nay có gói Dtac Happy Tourist Package giá 299 bath, có thể gọi rất rẻ sang Trung Quốc và Ấn Độ, còn gọi về Việt Nam thì mình không rõ cước thế nào, nhưng tính năng quan trọng nhất mà mình cần ở nó là … 3G không giới hạn dung lượng trong 7 ngày.
Có 3G, rất tiện lợi cho mình khi muốn tìm đường, tìm nhận xét về nhà hàng hay update tình hình ở nhà. Sim này có cắt sẵn, cho nên bạn xài như sim cho điện thoại bình thường cũng được, mà gỡ minisim ra dùng cho iPhone cũng được, rất tiện lợi.
.
5. Đổi tiền
Theo mình thấy, có lợi nhất là mang USD đi, sau đó tới Thailand thì đổi từ USD sang THB. Mấy quầy đổi tiền ở sân bay cho tỉ giá khá tốt, 1 USD = 31.55 THB (tỉ giá 13.8.2013) trong khi vào đến thành phố, khi mình đi liếc liếc qua 1 số exchange counter thì giá chỉ có 30.7 thôi. Cũng không nhất thiết phải đổi toàn bộ tiền bạn có ra THB ngay vì xài không hết, đổi ngược lại rất thiệt. Quầy đổi tiền có ở khắp các trung tâm thương mại, BTS, trên những con phố lớn trong thành phố nên theo mình thì khi nào cần tiền hãy đổi tiếp.