Hi all, ngày 10/10 vừa rồi mình thi IELTS ở British Council (Hội đồng Anh) và được trung bình 7.0, trong đó, Listening và Writing 6.5 còn Speaking và Reading là 7.0. Tất nhiên là kết quả của mình chỉ ở mức trung bình khá nhưng mình nghĩ biết đâu nó hữu ích với 1 số người. Nên hôm nay, mình chia sẻ 1 chút về kinh nghiệm thi IELTS thực tế của mình về thời gian ôn tập, cách ôn, tài liệu, v.v…
Tất cả tài liệu ôn thi IELTS (dù mình ôn hay không ôn, đều có ở trang: Tài liệu IELTS) Các bạn có thể download về để ôn ha 😀 nói chung là các bạn cũng chẳng nên tham lam ôm nhiều tài liệu làm gì, chỉ cần tìm tài liệu vừa sức và phù hợp với mục tiêu là được.
.
1. Background
Lý do mình để mục này lên đầu tiên là để các bạn tự rút kinh nghiệm. Trên mạng có rất nhiều bài giật tít kiểu “Ôn IELTS 8.0 trong 2 tháng” hay “IELTS 6.0 trong 2 tuần” nhưng tất nhiên là nó không thể áp dụng cho tất cả mọi người, vì mỗi người có điểm xuất phát khác nhau và có nhiều yếu tố tác động như môi trường làm việc/ học tập chẳng hạn.
Mình thi IELTS lần đầu vào tháng 10/2007, và điểm trung bình là 6.0, trong đó Writing, Reading, Listening là 6.0 và Speaking chỉ có 5.0. Trước khi thi năm 2007, mình có học 1 khóa ở ILA và 1 khóa ngắn ở British Council (đại khái là cũng tốn hơn 20 triệu mà kết quả quá ẹ). Trong 8 năm qua, mình không đi học thêm tiếng Anh ở đâu cả, nhưng bù lại, mình có 2 năm học Master hoàn toàn bằng tiếng Anh nên vốn từ vựng academic tăng đáng kể. Ngoài ra, trong công việc, mình cũng có cơ hội sử dụng tiếng Anh thường xuyên nên lần thi năm 2015 mình có phản xạ tốt hơn hẳn so với thời thi IELTS năm 2007.
.
.
2. Luyện ở nhà hay trung tâm? Trung tâm nào?
Mình nghĩ việc đầu tiên là các bạn nên làm bài Test thử. Làm bất cứ bài nào các bạn vớ được trên internet ấy :D, ít nhất là 2 skill Listening và Reading, ngồi nghiêm túc như thi thật, căn giờ như thi thật và tự chấm xem, nếu điểm từ 5 trở xuống thì tốt nhất bạn nên ra trung tâm mà học 1 khóa. Nếu bạn được từ 5.5 trở lên và là lần thứ 2 bạn đăng ký thi IELTS thì bạn có thể tự ôn ở nhà. Ôn theo nhóm khoảng 2-4 người cũng là 1 ý hay vì có thể động viên lẫn nhau và chia sẻ bí kíp.
Điều kiện chung của cả việc học ở trung tâm lẫn tự ôn hay ôn theo nhóm vẫn là: LUYỆN TẬP ĐỀU ĐẶN. Dù bạn có đóng cả chục triệu và lên trung tâm 1 tuần 3 buổi mà về nhà không sờ đến thì cũng chả tích sự gì; tương tự, mỗi ngày ôn 1 tiếng tốt hơn là dồn vào ôn 7 tiếng vào ngày chủ nhật.
Vậy nếu ra trung tâm thì học trung tâm nào? Câu hỏi này khó nhỉ? Hiện nay có nhiều trung tâm dạy ôn thi IELTS nhưng chất lượng thì chẳng biết đâu mà lần. Hãy xác định rằng, việc đi học 1-2 khóa ở 1 trung tâm uy tín sẽ giúp bạn định hình được bạn nên học gì, cách học như thế nào để quá trình tự học có hiệu quả hơn. Cá nhân mình từng học qua ILA và British Council thì thấy 2 nơi đều tốt, giáo viên tận tâm và có kinh nghiệm.
Nhiều người bị mờ mắt bởi mấy lời quảng cáo vung vít của các trung tâm ngoại ngữ hay những tờ rơi giới thiệu học viên A được 9.0 hay học viên B được 8.0 của họ, hơ hơ, đừng quên họ có vài ngàn học viên mà chỉ được 1 vài người có điểm cao thế thì chủ yếu bạn phải tự trông cậy vào bản thân bạn là hơn. Trước khi móc hầu bao dâng tiền cho mấy lò luyện thầy X, cô Y thì bạn hãy nhớ rằng bọn họ chả có cái mẹo ghê gớm nào cả, cũng chả có bùa nào bảo đảm cho bạn kết quả tốt nếu như bạn dốt và lười.
.
3. Ôn thi bao lâu?
Mình quyết định thi vào đầu tháng 8 và đăng ký thi ở British Council vào ngày 8/8, nghĩa là mình có 2 tháng để ôn thi. Tháng đầu tiên, mình ở nhà nên mỗi ngày học được khoảng 3 tiếng, tháng thứ 2 thì mình đi làm nên mỗi ngày chỉ ôn được khoảng 1 đến 1.5 tiếng là cùng. Như vậy, mình có khoảng 120 – 130 tiếng tự ôn cho lần thi này.
Mình nghĩ tầm 150 – 160 tiếng là khoảng thời gian khả thi để tăng từ khoảng 5.0 lên 6.0 và 6.0 lên 7.0 IELTS. Còn band từ 7.5 trở lên thì liên quan tới năng khiếu và nhiều yếu tố khác. Vậy chia thời gian ôn luyện cho các skill như thế nào? Căn bản vẫn là skill nào bạn thấy kém thì ôn nhiều hơn 1 chút.
Vì Listening mình khá yếu nên mình dành nhiều thời gian cho nó hơn cả. Mình ôn Listening khoảng 60h, 60h cho Reading và phần còn lại cho Speaking và Writing. Hay nói trắng ra là mình chả luyện được Speaking và Writing bao nhiêu :D.
Lý do là mình nghĩ Speaking = Phản xạ (trôi chảy) + Vốn từ vựng tốt. Mình cảm thấy khả năng giao tiếp hàng ngày khá linh hoạt rồi và vốn từ vựng sẽ được xây dựng trong quá trình ôn Listening & Reading nên mình không đầu tư nhiều thời gian vào skill này nữa.
.
4. Ôn tài liệu nào?
Trên internet có 1 ma trận các tài liệu để ôn luyện thi IELTS, vì thời gian ôn của mình có hạn nên sau khi tham khảo nhiều bạn đã thi IELTS, mình chỉ tập trung làm những cuốn sau:
1. IELTS Reading Tests (gồm 10 bài Reading) – đáp án có giải thích lý do rất cụ thể (thậm chí giải thích cả tại sao các câu khác sai nữa), rất hữu ích để học từ lỗi sai. Trình độ khá khó, tầm 7.0 trở lên, yêu cầu biến đổi từ so với trong passage khá nhiều, đi thi thật sẽ không khó đến thế, đặc biệt làm nhiều phần Yes/ No/ Not Given và True/ False/ Not Given.
2. IELTS Practice Test Plus 1 (có 5 bài cho cả 4 skill) – cuốn này hay và khó, làm được 6.5 thì đi thi thật phải được 7.0. Bạn mình nói cuốn 2 và 3 thì dễ hơn chút đỉnh, nên nếu các bạn có thời gian thì cũng có thể làm thêm.
3. Bộ Cambridge IELTS 8 – 9 – 10 (có thể làm thêm cuốn 7, còn từ 1 – 6 đã cũ và lạc hậu), (mỗi cuốn có 4 bài Academic cho cả 4 skill) – đáp án không có hướng dẫn nhưng bù lại mức độ đề khá giống đề thi thật.
Tất nhiên là nếu có nhiều thời gian hơn, các bạn có thể ôn thêm những cuốn khác. Nhưng mình nghĩ số lượng đề bạn làm không quan trọng bằng cách bạn học từ cuốn sách đó. Nếu định ôn 1 cuốn sách 2 lần thì lần đầu tránh viết, đánh dấu vào sách và đặc biệt là cố gắng không học thuộc đáp án nhé.
.
5. Ôn như thế nào?
Có lẽ đây là phần quan trọng nhất của cả bài viết này ^^ nên mình bôi đỏ cho nó máu. Sẽ rất tuyệt nếu bạn có thể ôn IELTS trong khoảng thời gian 9h-12h mỗi ngày để tạo thói quen tập trung khớp với giờ thi thật. Tuy nhiên, với đa số mọi người thì chuyện này là bất khả thi, cho nên bạn có thể ôn bằng cách xé lẻ ra từng phần như 20′ buổi sáng cho Reading (thế là bạn làm được 1 section của 1 bài Reading rồi), 40′ buổi trưa cho Listening, 30′ buổi tối cho từ vựng chẳng hạn.
5.1. Chuẩn bị (1 – 3 buổi):
- Làm bài thi thử (ít nhất là cho 2 kỹ năng Listening & Reading) để biết trình độ của bản thân ở đâu.
- Hãy dành ra 1 buổi để hiểu rõ cấu trúc bài thi. Ví dụ như Listening thì gồm 4 phần, 40 câu hỏi, phần đầu là hội thoại về chủ đề thường nhật … hay Writing thì gồm 2 phần, Task 1 là bài nhìn biểu đồ/ bản đồ/ hình vẽ để viết báo cáo ngắn 150 từ …
- Chuẩn bị tài liệu như download, in ấn, chuyển file vào điện thoại, v.v…
.
5.2. Ngữ pháp & Từ vựng:
- Dành 1, 2 buổi để ôn lại ngữ pháp cơ bản: như các thì chia động từ; bị động; mệnh đề quan hệ; mệnh đề điều kiện. Lưu ý là ngữ pháp khi thi IELTS không phải dạng nâng cao đánh đố như kiểu đề thi ĐH của VN đâu nhé.
- Xây dựng vốn từ vựng 1 quá trình lâu dài. Thực tế thì trong quá trình luyện Listening, Reading bạn cũng sẽ học thêm được nhiều từ mới, mình sẽ viết kỹ hơn ở phần sau. Nếu bạn chỉ có khoảng 2-3 tháng để ôn thi IELTS, mỗi ngày học thêm 5 từ mới ở list mình đính kèm (mình xuất ra từ phần mềm Oxford advanced learner’s dictionary), đừng chê ít nhé:
– Mỗi từ bạn học, nhớ tìm hiểu thêm family của nó nữa. Vd: industry (n) công nghiệp, ngành -> industrial (a) -> industrialise (v) công nghiệp hóa -> industrialisation (n) quá trình công nghiệp hóa.- Và đừng quên tìm hiểu giới từ đi kèm động từ, tính nhé. Vd: focus on; be interested in.
.
5.3. Luyện nghe
Mình tách riêng luyện nghe ra với luyện đề vì lúc làm bài Test 1 của Cambridge IELTS 8, mình chỉ được có 21/40 thôi, lởm chưa? Mà Listening và Reading là 2 phần mình muốn đạt điểm cao vì chúng có đáp án rất rõ ràng chứ không dựa 1 phần vào cảm tính của giám khảo như Writing và Speaking.
Như 1 bạn trên internet khuyên, mình vùi đầu vào chép chính tả và sau 2 tuần thì khi quay lại làm thử Test 2 của Cambridge IELTS 8 thì mình tăng lên được 27/40, nghĩa là việc nghe và chép giúp mình tăng kỹ năng khá nhanh.
Mình down tài liệu từ BBC Learning English (6 Minutes English), mỗi bài sẽ có audio hội thoại về 1 chủ đề nào đó như khoa học/ y tế/ văn học/ âm nhạc, v.v… giữa 2 người và có thêm 1 – 2 giọng của những người liên quan tới chủ đề như nhà báo/ nhà khoa học, v.v…, và transcript. Cách học của mình là đọc qua list từ mới của mỗi bài, sau đó mở file nghe, cứ mỗi câu lại pause, ghi ra giấy, chỗ nào ghi không kịp thì để trắng, quay lại sau. Nghe đi nghe lại chừng 3 lần như thế rồi đem transcript ra so. Chép vào những khoảng trắng và sửa những lỗi sai.
Khi mới bắt đầu, mỗi bài như thế, mình phải mất hơn 1 tiếng mới xong. Đến trước khi đi thi, thì thời gian rút lại còn khoảng 45′ cho 1 bài. Trong quá trình luyện nghe, mình cũng tăng được kha khá từ vựng.
Đây là link folder mình đã tổng hợp 60 file audio & transcript của BBC 6 Mintues English: Tổng hợp 60 bài 6ME.
.
5.4. Luyện đề
Vấn đề muôn thuở, trăm hay không bằng tay quen, làm nhiều cho quen dạng đề và cách xử lý với mỗi loại câu hỏi. Hãy lập 1 file excel để theo dõi trong suốt quá trình ôn tập của bạn để rút ra kinh nghiệm. Ví dụ:
.
Listening: Ngoài luyện nghe như đã trình bày ở phần trên, mình chỉ làm được 1 lượt 17 đề trong mấy cuốn mình đề cập.
Tips:
– Trong lúc phát đoạn giới thiệu, hướng dẫn về đề thi, bạn hãy tranh thủ đọc qua đề của section 3 và 4; mình thường chỉ bắt đầu nghe section 1 khi phát tới đoạn ví dụ.
– Khi đọc lướt qua đề thì có 1 số thứ bạn cần khoanh để lưu ý như số từ được phép điền (“1 word only” hay “2 words and/or number” chẳng hạn); nếu được, với dạng bài điền từ hãy ghi nhanh loại từ cần điền (mặc định từ cần điền là danh từ, thì chú thích “a” hoặc “v” với chỗ bạn đoán là tính từ hay động từ), nếu bạn có thể đoán nó là danh từ số nhiều (trước khoảng trắng có “some” chẳng hạn), thì ghi “plr”.
– Section 1 thường rất dễ, cố gắng làm trọn điểm phần này. Section 3 và 4 thường khó hơn, bạn nên lưu ý 1 số từ bôi đậm, in nghiêng ở đầu mỗi đoạn văn trong đề vì đó là khi họ chuyển ý trong cuộc hội thoại. Câu hỏi trong đề và nội dung hội thoại thường đi tuần tự, nếu bạn nghe không kịp đán án cho câu trước thì cũng đừng hoảng mà chuyển ngay sang đọc đề 2 – 3 câu tiếp theo.
– Bạn có 10 phút cuối để điền đáp án, cẩn thận lúc chuyển đáp án vào answer sheet. Tránh trường hợp đau thương là điền sai ô, sửa lại rất mất thời gian.
Reading: Rất nhiều người gợi ý là đọc câu hỏi trước rồi skimming và scanning tìm đáp án, nhưng thực tình mà nói thì nó không hữu ích với mình lắm. Mình thường dành thời gian đọc qua và tóm tắt (ghi vắn tắt “introduction”, “advantages”, “disadvantages”, “potential”, v.v… kế bên đoạn văn), thường thì mình mất khoảng 10-12′ để làm thế với 1 section, sau đó đọc câu hỏi và điền/ tìm đáp án cụ thể.
Có 1 cách rất hay do thầy Simon hướng dẫn, đó là sau khi làm bài xong, bạn hãy truy ngược để làm thành bảng từ gần nghĩa/ đồng nghĩa. Vd: trong câu hỏi là “huge” nhưng trong passage lại là “enormous”. Và cũng đừng quên học từ mới trong phần câu hỏi nhé.
Tips:
– Hãy để ý những từ được bôi đậm, hay trong dấu nháy, vì rất có thể chính nó hoặc từ kế bên nó là đáp án bạn cần tìm.
– Với câu hỏi liên quan đến tên người (kiểu ý kiến này của ai chẳng hạn) thì luôn luôn dùng họ (surname), nên lúc đọc bài nhớ khoanh tròn phần họ (phần first name thì phớt lờ nó đi).
– Ngoài việc luyện đề theo sách, mình cố gắng đọc thêm báo tiếng Anh (ồ tất nhiên rồi, chứ chả lẽ là Kênh 14, haha), như BBC hay The Guardian. Riêng mục Business của Guardian, có nhiều bài phân tích biến động tỉ giá, chứng khoán, bạn có thể học lỏm được không ít từ hữu dụng cho Task 1, Writing.
– Đọc kỹ đề, vì có những đề sẽ cho cùng 1 đáp án điền được cho 2 câu hỏi; tuyệt đối tránh việc nhầm lẫn giữa True/ False/ NG với dạng bài Yes/No/ NG vì nếu nhầm là công cốc hết cả, mà lại còn tiếc hận nữa chứ.
Writing: Nỗi đau của mình là bị lố giờ Task 1 nên gây hậu quả là hơi hoảng và thiếu giờ để viết Task 2. Cho nên bài học kinh nghiệm là Task 1 chỉ đáng 15′ thôi nhé! Canh giờ cho chuẩn vào. Người ta chẳng chấm ý của bạn đúng/ sai đâu, thi IELTS chỉ quan tâm tới bạn viết có đúng cấu trúc không (có mở bài, kết luận không? thân bài có mấy ý, nêu ý rồi có mở rộng, dẫn chứng cho ý đó không?) và lỗi ngữ pháp, chính tả thôi.
Tips:
– Chịu khó viết lại đề bằng cách đổi từ và đồi mẫu câu nhé.
– Không được xưng “I” trong bài viết, hãy viết bằng giọng văn thật khách quan (văn phong báo chí ấy).
– Không có ví dụ cho Task 2 thì cứ bịa ra kiểu “a recent research stated that…” hay “it was mentioned in newspaper …” chả có ai đi tìm hiểu lại là có cái bài nghiên cứu hay bài báo đấy đâu, yên tâm đi.
Speaking: Mình chẳng luyện nhiều phần này nhưng có thể nói là nếu bạn luyện Listening nhiều thì có tác dụng đấy. Muốn cao hơn thì khó nhưng 7.0 thì cũng không có gì ghê gớm. Có lẽ mình được 7. 0 là do nói chuyện trôi chảy và tự tin, chứ phát âm và nhấn nhá của mình vẫn còn nhiều lỗi lắm.
Tips:
– Hãy vào phòng thi với khuôn mặt vui vẻ nhất có thể.
– Vận dung 1 số idioms cũng sẽ được cộng điểm và đừng chỉ trả lời “yes” hay “no” với câu hỏi mà cố gắng diễn giải thêm ít nhất 2 câu nữa. Vd: examiner hỏi mình là “Do you like trees?” – “Oh, I do like them, a house with many trees and flowers is my house of dream. I tried to plant a tomato tree and some pots of flowers in the past but unfortunately, I failed every single time. It seems like I don’t have the green thumb“.
.
6. Thi IELTS ở đâu?
Hiện nay ở VN mới chỉ có 2 đơn vị tổ chức thi IELTS là British Council và IDP. Cả 2 lần thi mình đều thi ở British Council nên có thể đưa ra vài nhận xét như sau:
– Ưu điểm: Tai nghe tốt, âm thanh chuẩn (mình có 1 người bạn phàn nàn là tai nghe ở IDP không tốt lắm nhưng mình chưa thử nên không dám so sánh); tổ chức thi chuyên nghiệp. Khi bạn đăng kí thi sẽ được tặng 30h ôn thi online Road to IELTS, số lượng bài test rất ít nhưng có hướng dẫn cho từng loại bài tập cụ thể.
– Nhược điểm: Chi phí ở BC cao hơn (tại thời điểm này, phí thi bên IDP là 3.5 triệu, trong khi BC là 4.5 triệu); giờ thi Speaking không linh hoạt như bên IDP. Hơn nữa, buổi sáng thi 3 skill ở khách sạn Windsor nhưng buổi chiều cho thi Speaking ở nơi khác nên rất bất tiện trong di chuyển (cụ thể là mình thi Speaking ở VUS trên đường Nguyễn Chí Thanh).
.
7. Lưu ý trước & trong ngày thi:
- Mang theo passport/ CMND bạn dùng để đăng ký thi, tới đúng giờ. Họ sẽ chụp ảnh, lấy vân tay trước khi bạn check in vào phòng thi. Không được mang gì vào phòng thi ngoài passport và 1 chai nước (nhựa trong, nếu có nhãn thì phải xé đi), đồng hồ đeo tay cũng không được mang vào, họ sẽ nhắc các mốc thời gian quan trọng bằng cả mic và cả trên slide.
- Gôm, bút chì và bút bi sẽ được bên tổ chức thi cung cấp, khi bút chì bạn bị cùn thì giơ tay xin thêm bút mới, không cần phải chuốt đâu, đừng lo.
- Theo mình là không nên uống nhiều nước, vì có thể dẫn tới nhu cầu đi vệ sinh trong giờ làm bài, mà điều này tuyệt đối không nên, vì chỉ có 3 tiếng liên tục thi 3 môn nên nếu phải đi vệ sinh sẽ ảnh hưởng rất tệ đến kết quả thi.
- Với phần thi Speaking, bạn nên đến sớm ít nhất 20′ trước giờ hẹn ghi trên phiếu, có thể có người vắng mặt và bạn được đôn lên thi sớm hơn (nếu muốn).
Cảm ơn mày nhiều lắm luôn, dù mục tiêu tao chỉ có 6. 😀
😀 6.0 ko có đâu, mày ôn chừng 3 tháng là okay