Xin visa du học Canada

Entry này sẽ chia sẻ với các bạn đang muốn tìm hiểu về việc du học Canada và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ case của mình. Thay vì chứng minh tài chính thì mình đi theo chương trình CES. CES là gì và khác chứng minh tài chính như thế nào thì các bạn xem thêm ở đây.

.

.

HỒ SƠ XIN VISA CES

  1. Checklist – nhớ in, check các giấy tờ và ký.
  2. Đơn xin study permit
  3. Phiếu thông tin gia đình
  4. Biên lai phí xét visa
  5. Vân tay & ảnh (sẽ chụp hình & lấy dấu vân tay ở VFS luôn).
  6. Passport bản chính & bản copy 2 trang thông tin.
  7. Thư nhập học (Letter of Acceptance, LOA) chính thức của trường.
  8. Biên lai đóng học phí.
  9. Chứng chỉ đầu tư ở Scotia bank (Guaranteed Investment Certificate – GIC) có giá trị 10.000CAD.
  10. Chứng chỉ IELTS còn hạn, overall 5 và ko có skill nào dưới 4.5 (tất nhiên là càng cao càng tốt, nộp bản copy và mang bản chính đi đối chiếu).
  11. Bản copy bằng và bảng điểm gần nhất.
  12. Phiếu thông tin khám sức khỏe từ 1 cơ sở được chỉ định.
  13. Lý lịch tư pháp số 2.
  14. Phiếu đồng ý cung cấp thông tin (VFS sẽ in cho bạn & bạn chỉ việc ký vào là xong).

Ngoài ra, bạn nào dưới 17 tuổi thì cần có những giấy xác nhận giám hộ, ai đã kết hôn thì cần them tờ khai, xin qua dịch vụ visa thì thêm form này để bên agent có thể nhận được thông tin liên quan đến hồ sơ của bạn.

.

.

QUÁ TRÌNH LÀM HỒ SƠ DU HỌC – aka Những ngày vội vã

Sau chuyến đi Australia vào đầu tháng 5, mình bắt đầu nghĩ về 1 cuộc sống yên bình ở nơi văn minh. Và chắc chẳng có ai vội vã như mình, toàn quá trình chuẩn bị hồ sơ chỉ trong vòng 6 tuần. Tự làm hoàn toàn, chứ ko thông qua bất kì dịch vụ nào vì mình muốn tự làm và chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình.

13.5 Biết thông tin sơ bộ về CES qua em gái mình (chương trình du học ko cần chứng minh tài chính nhưng chỉ được chọn trong 45 trường cao đẳng/đại học ở Canada).
– Tìm thông tin các yêu cầu của chương trình. Sau 1 đêm suy nghĩ, thì mình quyết định đi học đợt tháng 9/2017.

15.5 Sau 2 ngày lọc thông tin 45 trường trong list CES (có ngành Finance không, hệ nào, thời gian khóa học là bao lâu, ở thành phố nào), mình có 1 file excel khá cụ thể. (Thật sự mình ko thể hiểu nổi những bạn bỏ cả tỉ đi du học nhưng cái gì cũng ú a ú ớ, bên agent đăng kí trường nào thì đi đại trường đó, đến cái tên ngành học cũng viết sai!).
– Mình chọn trường Douglas college vì có ngành mình muốn và ở Vancouver là nơi ấm nhất Canada (lí do đơn giản và rõ ràng) và viết mail hỏi trường 1  số thông tin cụ thể.

16.5 Đại diện trường Douglas ở VN gửi mail trả lời các câu hỏi của mình và gửi cho mình application form.

17.5 In, điền application form.
– Đi dịch công chứng bảng điểm đại học ở 1 văn phòng công chứng tư gần nhà (vì mình hơi oải việc ra quận ngồi chờ).

18.5 Lấy bảng điểm đại học đã dịch công chứng.
– Scan passport, bảng điểm, bằng đại học, application form & chứng chỉ IELTS.
– Email hồ sơ application cho trường, chị đại diện cho biết là mất khoảng 3 ngày để có offer letter.

19.5 Ra Cục quản lí xuất nhập cảnh để làm passport mới.

22.5 Đặt hẹn khám sức khỏe ở IOM qua điện thoại, nhân viên hẹn sáng 5.6 lên khám.
Mở tài khoản đầu tư ở ngân hàng Scotia.

23.5 Đã đến ngày thứ 5 nhưng chưa có offer letter nên mình email nhắc đại diện trường, hóa ra offer letter đã có từ ngày 21 nhưng có lỗi nên mình ko nhận được mail. Đại diện trường gửi lại offer letter (trong đó có thông tin cụ thể về học phí và hướng dẫn đóng học phí).
– Nhận được secured mail của Scotia và hướng dẫn mở chứng chỉ đầu tư.

25.5 Ra Vietcombank đóng học phí cho trường và GIC của Scotia bank.

26.5 Đi lấy passport mới. Gửi cho đại diện trường, yêu cầu update thông tin.

27.5 Về Vũng Tàu làm lí lịch tư pháp nhưng hóa ra sở tư pháp Vũng Tàu ko làm thứ 7 nên lại công cốc.
– Nhận LOA chính thức và receipt học phí của trường.

1.6 Về Vũng Tàu làm lí lịch tư pháp. Họ hẹn ngày 21.6 sẽ có.

2.6 Nhận xác nhận của Scotia bank về chứng chỉ đầu tư.

5.6 Đi khám sức khỏe ở IOM.

21.6 Thanh toán phí xét visa online, in biên nhận.

23.6 Nhận lí lịch tư pháp & đem đi dịch công chứng.

26.6 Nộp hồ sơ xin visa ở VFS. – chính thức kết thúc những việc có thể làm.

25.7 Sau 29 ngày thấp thỏm thì cuối cùng cũng nhận được mail cấp visa.

26.7 Nhận tin nhắn lên nhận passport & chính thức có visa 😀

.

.

CÁC BÀI HỌC KINH NGHIỆM:

1. Chọn khóa học, trường học: hiện nay, sv quốc tế sau khi hoàn thành khóa học từ 2 năm trở lên ở các trường công (chỉ rất rất ít trường tư) có thể xin post-graduate work permit (nôm na là visa cho phép ở lại Canada làm việc sau khi học xong, PGWP) để làm việc ở Canada thêm 3 năm. Các khóa học từ 1 năm đến dưới 2 năm thì có thể xin PGWP bằng thời gian khóa học. Các khóa học dưới 1 năm thì ko được cấp PGWP. (tại sao PGWP lại quan trọng với nhiều người? vì trong thời gian bạn ở lại hợp pháp với PGWP, bạn có thể tiến hành xin PR, tìm hiểu thêm ở đây)

Các bạn cần check khóa học của mình có thời gian học phù hợp nguyện vọng ở lại Canada và trường mình chọn có đáp ứng yêu cầu xin PGWP không vì hiện nay hầu hết các trường tư thì ko được xin PGWP.

Câu hỏi học ngành gì là 1 câu hỏi khó, nếu muốn ở lại Canada thì nên can nhắc các ngành học có trong NOC 0, A, B của họ. Tất nhiên là ko ai nói trước được tương lai khi bạn học xong vào 2,3 năm nữa nhưng có những nghề về cơ bản sẽ ko rơi khỏi list trong vòng 5 năm tới, ví dụ như IT hay accounting.

.

2. Dịch công chứng giấy tờ: khoảng 80k/trang ở các văn phòng tư và thường 24h là có. Bạn không thể dịch công chứng ở phường mà ra quận thì rất đông và lâu (ít nhất là 2 ngày làm việc) nên mình khuyên là muốn nhanh thì ra các văn phòng công chứng tư, chưa kể là nếu họ dịch ko như ý, mình có quyền yêu cầu họ dịch lại cho đúng.

.

3. Xin học: Phí xét hồ sơ của các trường dao động từ 100 đến 150CAD.

Hồ sơ thì mình thấy mỗi tỉnh lại hơi khác 1 chút, ở Ontario thì cho dù các bạn xin học sau đại học thì vẫn phải gửi học bạ & bằng cấp 3 cho trường trong khi ở British Columbia thì chỉ cần bằng & bảng điêm là được. Về thời gian xét thì 1 số trường có offer letter rất nhanh như Douglas (3-4 ngày) nhưng có những trường thì khá lâu như Seneca hay George Brown (3-4 tuần hoặc thậm chí vào đợt cao điểm là 2 tháng!).

Thường các khóa cao đẳng ở Canada yêu cầu đầu vào IELTS 6.0, không có skill nào dưới 5.5 còn các khóa đại học, sau đại học sẽ là overall 6.5, ko có skill nào dưới 6.0. Nếu bạn chưa có IELTS nhưng vẫn muốn nộp hồ sơ CES thì vẫn được, trường sẽ cấp cho bạn LOA có điều kiện là phải học khóa tiếng Anh trước khi vào khóa chính (tùy trường và tùy trình độ của bạn mà khóa học dài hay ngắn và tốn bao nhiêu tiền). Bạn có thể bổ sung điểm IELTS cho trường để vào học thẳng khóa chính cũng được.

Bạn nên chủ động trong việc liên lạc với trường vì như trường hợp của mình thì nếu lẳng lặng chờ thì có khi lại trễ việc.

.

4. Passport: các bạn không có hộ khẩu ở SG cũng ko cần về địa phương đâu, có thể ra cục Quản lí xuất nhập cảnh số 254 Nguyễn Trãi. Bạn khai form trên website của họ, in ra, mang 3 tấm ảnh 3×4 là được (còn nếu đến tận nơi mới dùng máy của họ để điền form thì phải chờ rất lâu vì đông). Người rất đông, nên đến đầu giờ chiều thì chỉ phải chờ nửa tiếng là tới lượt. Chỉ mất 1 tuần (5 ngày làm việc) là có passport.

Lí do mình làm lại passport là vì passport cũ sẽ hết hạn năm 2019, trước khi khóa học của mình kết thúc. Lưu ý là phía Canada chỉ cấp visa cho bạn cho đến khi passport hết hạn, nên mình làm lại passport luôn để tránh lằng nhằng sau này. Nếu bạn có 2 passport thì khi đi xin visa có thể kèm theo passport cũ, họ sẽ bấm passport cũ vào với passport mới luôn.

Phòng QLXNC bên đường Nguyễn Thị Minh Khai chỉ dành cho những người có hộ khẩu hoặc KT3 ở Sài Gòn thôi nhé và mẫu đơn của 2 bên khác nhau, nên nếu bạn điền đơn bên cục mà đưa sang bên phòng QLXNC thì họ sẽ từ chối vì không tương thích.

.

5. Lí lịch tư pháp số 2: về lí thuyết thì không quá 10 ngày, nhưng thực tế trường hợp của mình là 20 ngày! Các bạn nên làm sớm chứng nào tốt chừng đó. Lưu ý là chỉ có thể làm ở sở tư pháp nơi bạn có hộ khẩu. Hồ sơ có thể khai trên website của bộ tư pháp, in ra, khi đi nộp mang theo bản sao CMND và bản sao hộ khẩu (nếu chỉ là bản copy thì cần mang bản gốc để đối chiếu).

Khi bạn điền hồ sơ online xong sẽ có mã số, bạn có thể dùng mã số này để theo dõi tình trạng lí lịch tư pháp của mình.

.

6. Khám sức khỏe: bên Canada họ chỉ định 1 vài phòng khám ở VN và họ chỉ chấp nhận kết quả của những nơi này. Bạn phải gọi điện thoại lên book lịch khám trước (vào những đợt cao điểm có khi bạn phải chờ hơn 1 tuần để được khám vì họ có giới hạn số lượng cho mỗi buổi khấm). Bạn có thể đóng tiền Việt hoặc USD.

Khám xong 1 tuần bạn mới nộp hồ sơ xin visa được nên khám càng sớm càng tốt (ai biết sẽ phát sinh chuyện tương tự như của mình đúng ko?). Bạn có thể đóng tiền mặt ở IOM, khám xong nếu ko có vấn đề gì thì họ sẽ đưa bạn 1 tờ phiếu thông tin để kẹp vào hồ sơ xin visa. Khi đi khám nhớ mang theo passport.

Nếu có trục trặc gì thì họ sẽ yêu cầu bạn đi khám thêm ở BV chuyên khoa như Chợ Rẫy hay Pasteur. Các bạn có hình xăm sẽ tốn tiền hơn các bạn không có, vì các bạn sẽ phải nộp thêm tiền xét nghiệm viêm gan.

.

7. Đóng học phí & chứng chỉ đầu tư: bạn chỉ có thể chuyển tiền ra nước ngoài ở cấp chi nhánh trở lên, các phòng giao dịch không làm được việc này. Thông thường sẽ mất từ 3-7 ngày làm việc để bên trường nhận được tiền của bạn. Ngoài khoản tiền phải gửi, thì bạn sẽ mất thêm gần 2tr tiền phí. Vietcombank là chuyên nghiệp nhất.

Thực ra thay vì chứng minh tài chính theo các chương trình thông thường thì CES có GIC là 1 loại xác nhận bạn có đủ sinh hoạt phí cho năm học đầu tiên. Tài khoản đầu tư của bạn là 10.000CAD, 200CAD là phí quản lí của ngân hàng. Khi sang tới Canada, bạn đi kích hoạt tài khoản và sẽ nhận được 2000CAD trong tháng đầu tiên, và khoảng hơn 650CAD cho các tháng còn lại cho đến hết.

Các bước để có chứng chỉ đầu tư của Scotiabank:
(1) đăng kí tài khoản.
(2) Scotia bank sẽ gửi cho bạn thông tin về secured email (tài khoản & password), thư hướng dẫn đóng tiền GIC (trên đó có thông tin họ tên, số tài khoản Scotia, số tiền phải đóng và nhiều thông tin liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng khác) – thường mất khoảng 1-2 ngày làm việc.
(3) ra ngân hàng, đóng tiền (khi đi mang theo passport & 2 thư hướng dẫn của Scotia bank). Lưu ý là bạn phải tự đóng, và nên gửi từ tài khoản ngân hàng của bạn, để ngân hàng có thể gửi tiền về cho bạn trong trường hợp bạn rớt visa hay trục trặc khác.
(4) nhận GIC – thường mất khoảng 1 tuần.

.

8. Phí xét visa: nó gồm 2 loại phí: phí xét visa & phí lấy vân tay ở VFS – 235CAD hay 183USD. Các bạn có thể đóng tiền online ở đây hoặc đóng bằng USD ở VFS (lưu ý là chỉ nhận USD nhé!).

Sau khi nộp hồ sơ, các bạn có thể check tình trạng xét visa ở đây.

.

.

Chúc các bạn thuận lợi xin visa 🙂

4 thoughts on “Xin visa du học Canada

  1. Bui Chi

    Chị Linh ơi cho em hỏi là chị học đại học hay thạc sĩ ở Canada vậy ạ? Nếu học thạc sĩ ở Canada thì phải học đại học bên đó hay bằng Việt Nam là được rồi ạ?

  2. Linh Post author

    Hi em, chị học sau đại học. Về chuyện bằng cấp thì em yên tâm là bằng đại học ở VN được công nhận ở Canada để học lên master nhé.

  3. Thuong Pham

    Xin chào bạn, cảm ơn bài viết rất hữu ích của bạn. Bạn cho mình hỏi là làm thế nào để bạn có địa chỉ liên lạc chính xác với đại diện trường ở Việt Nam vậy bạn? Cảm ơn bạn nhé.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s